Một số công ty quá khó khăn đã cắt giảm từ 300 lao động trở lên. Liên đoàn Lao động tỉnh đã hướng dẫn Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp, yêu cầu các công ty thực hiện đầy đủ chế độ chính sách về thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, đảm bảo quyền lợi người lao động.
Ghi nhận trên địa bàn tỉnh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, các DN vẫn bị giảm đơn hàng từ 20-50%. Khoảng thời gian đầu năm, các DN giày da, may mặc bị ảnh hưởng. Bước sang quý II.2023 thì tới lượt ngành gỗ khủng hoảng nặng nề, đơn hàng giảm rất nhiều. Một số DN có đơn hàng trở lại cũng nhỏ lẻ và sản xuất cầm chừng. Khó khăn là vậy, các DN vẫn nỗ lực vượt khó tìm đơn hàng ở những thị trường mới, dù lợi nhuận không cao nhưng có thể duy trì việc làm cho NLĐ.
Mặc dù thiếu đơn hàng, phải giảm giờ làm của NLĐ, song không xảy ra tình trạng DN ồ ạt cắt giảm lao động. Ngược lại, các DN sắp xếp các phương án sản xuất và chọn giải pháp chia đều việc cho công nhân, sẵn sàng chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo thu nhập, chờ cơ hội thị trường phục hồi.
Đồng hành với đoàn viên, NLĐ, các cấp Công đoàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho NLĐ, nhất là lao động bị ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập. Bên cạnh đó, cùng DN thực hiện các phương án sản xuất để giữ việc làm cho công nhân.
Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa Nguyễn Thị Tuyết cho hay, trong 6 tháng đầu năm, nhiều DN trên địa bàn các khu công nghiệp ở TP.Biên Hòa giảm đơn hàng từ 10-15%. Một số DN phải bố trí cho NLĐ làm giãn ca, thậm chí có những đơn vị phải thỏa thuận với NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương để cố gắng duy trì tình hình sản xuất, kinh doanh, đảm bảo điều kiện làm việc cho NLĐ.
“Hiện nhiều DN vẫn duy trì được việc làm cho NLĐ là một nỗ lực rất lớn. Ngoài ra, các DN thực hiện các chế độ về tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội đầy đủ cho NLĐ. Đồng hành cùng DN và NLĐ, tổ chức Công đoàn cũng tích cực hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng đến việc làm. Cùng với đó, nâng cao phúc lợi, bán hàng giảm giá, hỗ trợ vay vốn cải thiện đời sống nhằm chia sẻ khó khăn kịp thời với NLĐ” - bà Tuyết chia sẻ.
Để hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm trở lại thị trường lao động, các cấp Công đoàn đã tăng cường giới thiệu NLĐ đến các DN có nhu cầu tuyển dụng, giúp NLĐ sớm có việc làm ổn định. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động của DN và tìm các giải pháp giúp NLĐ đảm bảo việc làm, thu nhập. Công đoàn cũng tăng cường tham gia ổn định quan hệ lao động; đảm bảo an ninh, an toàn trong lao động, sản xuất.
Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên tuyền pháp luật lao động và nâng cao trình độ, tay nghề, tác phong làm việc, đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho NLĐ.
Trên cả nước, theo Tổng Cục thống kê và báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ, giãn việc của các doanh nghiệp trong quý II.2023 là hơn 241 ngàn người, giảm 52 ngàn người so với quý trước. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng, diễn ra từ quý IV.2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý II.2023. Tình trạng lao động nghỉ, giãn việc đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung chủ yếu ở ngành da giày, dệt may.