Đồng bộ giải pháp phòng, chống tội phạm mua bán người

- Thứ Năm, 11/03/2021, 05:12 - Chia sẻ
Qua những vụ điều tra, khám phá, bóc gỡ các đường dây buôn bán trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có trẻ sơ sinh do chính cha mẹ của mình bán cho các đối tượng để đưa sang nước ngoài mới đây cho thấy, đã đến lúc cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để sớm đưa ra công thức chung về thủ đoạn, phương thức hoạt động của loại tội phạm này. Từ đó, đưa ra cảnh báo, biện pháp giáo dục, răn đe kịp thời nhằm kéo giảm, tiến tới đầy lùi loại tội phạm này.

Phát hiện 1.266 vụ mua bán người

Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, giai đoạn 2016 - 2020, toàn quốc đã phát hiện xảy ra 1.266 vụ mua bán người, với 1.690 đối tượng, lừa bán 2.956 nạn nhân. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, tình hình mua bán trẻ dưới 16 tuổi (trong đó có cả trẻ sơ sinh) vì mục đích thương mại có dấu hiệu gia tăng.

Cục Cảnh sát hình sự bàn giao các cháu bé cho "Ngôi nhà Bình yên" thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Một trong những vụ việc điển hình mới được lực lượng cảnh sát hình sự bóc gỡ, đó là: Đêm 25.2 vừa qua, sau nhiều ngày theo dõi, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cao Bằng đã đồng loạt kiểm tra các địa điểm mà các đối tượng môi giới đang thuê nhà để chăm nuôi các trẻ sơ sinh trước khi đem bán sang Trung Quốc. Qua đó, đã giải cứu 4 trẻ sơ sinh, xác định được 4 bà mẹ có hành vi bán con; 1 bà mẹ mang thai tháng thứ 8. Ngoài ra còn xác định được 2 bà mẹ sắp sinh khác đã được đưa sang Trung Quốc. 

Thực tiễn đấu tranh tội phạm mua bán người cho thấy, đa số đối tượng phạm tội lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa phụ nữ bán sang Trung Quốc; hoặc lừa gạt, dụ dỗ phụ nữ có thai ngoài ý muốn, phụ nữ có thai nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc sinh con, sau đó bán trẻ sơ sinh; làm quen qua các trang mạng xã hội, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép. Đáng quan ngại là có trường hợp mẹ đẻ bán chính con của mình để lấy mấy chục triệu, điều này dấy lên quan ngại về đạo đức xã hội có dấu hiệu đi xuống.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Đại tá Đoàn Thế Vinh -Trưởng phòng Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, Cục Cảnh sát hình sự - người trực tiếp tham gia chuyên án bắt giữ nhóm đối tượng có hành vi mua bán người dưới 16 tuổi (trẻ sơ sinh) kể trên chia sẻ: qua vụ án cho thấy, đây là một đường dây tội phạm hoạt động với thủ đoạn hết sức tinh vi, các đối tượng hoạt động tại nhiều địa phương, chủ yếu liên hệ thông qua mạng xã hội, lợi dụng dịch bệnh vẫn tích cực hoạt động tìm các đưa trẻ em lên biên giới để đưa sang Trung Quốc. Ở góc độ đạo đức, cho thấy, đạo đức xã hội ở một bộ phận người dân đang có biểu hiện xuống cấp.

Không chỉ là giải pháp nghiệp vụ

Theo báo cáo Tổ chức Y tế Thế giới công bố, mỗi năm có gần 10.000 ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm buôn người. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực các nước Tiểu vùng sông Mekong (trong đó có Việt Nam) vẫn được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tội phạm mua bán người, trong đó có trẻ dưới 16 tuổi thông qua di cư trái phép ra nước ngoài cần sự phối hợp của nhiều lực lượng chức năng.

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, để bảo đảm mục tiêu kéo giảm 5% các loại tội phạm vào năm 2021 (trong đó có tội phạm mua bán người), Cục Cảnh sát hình sự cần phối hợp với các đơn vị tiếp tục điều tra, mở rộng, thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ, xử lý triệt để chuyên án. Đặc biệt, phải đưa ra được công thức thủ đoạn, hoạt động của tội phạm buôn bán người, từ đó có biện pháp hữu hiệu để kéo giảm, tiến tới đầy lùi loại tội phạm này, đem lại niềm tin, sự bình yên cho nhân dân.

Cùng với giải pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng, công an các địa phương cần phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, tiến hành tổng điều tra, rà soát về tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và đối tượng khác có liên quan, tập trung rà soát vụ việc, đối tượng phạm tội, nạn nhân bị mua bán, nghi bị mua bán trên; các trường hợp kết hôn với người nước ngoài, hoạt động mua bán người; các cơ sở môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi bất hợp pháp, các tụ điểm tổ chức cho người nước ngoài xem mặt phụ nữ Việt Nam muốn kết hôn với người nước ngoài. 

Tuy nhiên, trước thực trạng các nạn nhân của các vụ buôn bán người thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin... Đặc biệt, đã có trường hợp cha mẹ coi con mình là hàng hóa để bán... cho thấy, ngoài các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm nêu trên, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại cộng đồng với các hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng. Từ đó giáo dục, nâng cao khả năng nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm phụ nữ, trẻ yếu thế.

Điều 150, Bộ luật Hình sự quy định: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại Điểm a hoặc Điểm b khoản này.

Bài và ảnh: Bảo Hân