Dồn sức điều trị, tiêm chủng ở TP. Hồ Chí Minh

- Thứ Năm, 05/08/2021, 11:52 - Chia sẻ
Trong giai đoạn hiện nay, TP. Hồ Chí Minh cần tập trung vào công tác điều trị. Trong những ngày tới, Thành phố phải bố trí đủ chỗ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Nội dung này được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nhấn mạnh tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, diễn ra vào chiều tối ngày 4.8.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là công tác điều trị các bệnh nhân COVID-19
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19

“Không từ chối bất cứ ai”

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới thăm và động viên đội ngũ y bác sỹ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Đây là bệnh viện đa khoa loại 1 trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Từ ngày  27.7, song song với hoạt động tại bệnh viện, ngay sau khi được phân công phụ trách khoa Cấp cứu của Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt tại cơ sở 2 của Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã huy động hơn 50 y, bác sĩ tham gia tác chiến ngay. Chỉ 2 ngày sau thành lập đã tiếp nhận hơn 70 bệnh nhân Covid-19 điều trị ở tuyến cuối.

Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định Nguyễn Anh Dũng cho biết, trong đợt dịch lần thứ 4, đơn vị đã nỗ lực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngay tại bệnh viện và hỗ trợ các đơn vị khác trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, bệnh viện đã nhanh chóng triển khai đơn vị cách ly y tế để xử lý các tình huống dịch bệnh. Khi số ca mắc Covid-19 tăng cao, từ ngày  27.7, bệnh viện triển khai giai đoạn 1 gồm 57 giường hồi sức điều trị các ca mắc Covid-19 ở tuyến cuối, bao gồm các kỹ thuật như thở máy, lọc máu… Trước số lượng bệnh nhân tăng cao, chỉ 2 ngày sau, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 70 bệnh nhân điều trị ở tuyến cuối.

“Mỗi ngày, khu cấp cứu đều thu dung, tiếp nhận một số trường hợp mắc Covid-19, trong khi đó, mặt bằng bệnh viện hạn hẹp, hoạt động theo mô hình cấp cứu đa khoa, một nửa lực lượng y bác sĩ được phân công làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, phong tỏa, Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện sẽ cố gắng hết mình, làm hết khả năng, công sức để không từ chối bất cứ ai”, ông Nguyễn Anh Dũng khẳng định.

Hiện bệnh viện đang triển khai kế hoạch giai đoạn 2 để mở rộng, chia tách bệnh viện, nâng công suất điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 lên 400 giường hồi sức tích cực để trước mắt đáp ứng tình hình dịch bệnh. Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định khẳng định, lực lượng y bác sĩ của bệnh viện sẽ cố gắng hết sức, trong vòng 2 ngày tới mở rộng khu thu dung và điều trị, quyết tâm thực hiện hết khả năng hiện có để cứu chữa bệnh nhân Covid-19. “Cứu được bao nhiêu bệnh nhân, chúng tôi phải làm ngay, cố hết sức, theo đúng tinh thần chỉ đạo tuyệt đối không từ chối tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nặng nếu vẫn còn khả năng tiếp nhận”, ông Nguyễn Anh Dũng thông tin.

Ghi nhận sự nỗ lực của các y bác sỹ Bệnh viện Nhân dân Gia định trong công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là công tác điều chuyển nguồn lực y bác sỹ điều trị các bệnh nhân Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, bệnh viện cần có sự phối hợp với các bệnh viện và cơ sở điều trị tuyến dưới để điều phối chuyển tuyến các ca nhiễm Covid-19 nặng nhằm kịp thời chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với với lãnh đạo thành phố, Bộ Y tế
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Bộ Y tế

Tập trung tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân nặng

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, TP. Hồ Chí Minh phải tập trung vào công tác điều trị. Trong những ngày tới phải bố trí đủ chỗ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, Sở đã thành lập Đội đặc nhiệm hồi sức cấp cứu để tư vấn từ xa, hỗ trợ tại chỗ, “cầm tay, chỉ việc” cho các bệnh viện ở tầng điều trị thứ 3, nhằm xử lý kịp thời các bệnh nhân nặng. Ngành Y tế đã hình thành hệ thống chuyển tuyến hai chiều (chuyển lên tầng điều trị cao hơn khi bệnh nhân diễn biến nặng, chuyển xuống tầng điều trị dưới khi thuyên giảm). Mỗi phường, xã đều có xe vận chuyển bệnh nhân. Các khu tiếp nhận F0 không triệu chứng bắt đầu hình thành phòng cấp cứu tiếp nhận người có triệu chứng nặng.

Trao đổi kinh nghiệm vận hành mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” trong những ngày qua tại Quận 7, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ Thông tin đáp ứng nhanh Ban Chỉ đạo quốc gia cho biết, khoảng 3.000 thầy thuốc đã tham gia hỗ trợ tư vấn, động viên, khám sàng lọc từ xa để xác định những trường hợp thật sự cần cấp cứu.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng cần hình thành mô hình cấp cứu trước khi nhập viện, sử dụng sinh viên ngành y, nhân viên y tế sau khi lực lượng lấy mẫu xét nghiệm được tổ chức lại, để hỗ trợ kịp thời cho người dân gặp các vấn đề khẩn cấp trong khi chờ xe cấp cứu. “Chúng ta cần sử dụng thêm những nguồn lực khác nhau để hỗ trợ, giảm tải cho ngành y tế”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề xuất.

Cuộc họp cũng thống nhất, Thành phố sẽ có văn bản chỉ đạo các bệnh viện chủ động mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao để phục vụ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Đối với đồ bảo hộ cho các y bác sĩ, Bộ Y tế sẽ mua sắm tập trung, cấp phát cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. “Nên tận dụng mọi thời cơ mua sắm đầy đủ trang thiết bị, vật tư tiêu hao cho các bệnh viện”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

___________

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ.

Thảo Anh