Thị trường - Việc làm

Xuất khẩu lao động - "đòn bẩy" thoát nghèo

- Thứ Sáu, 25/11/2022, 08:31 - Chia sẻ

Đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được xem là "đòn bẩy" thoát nghèo cho những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, sinh kế thiếu bền vững.

Chính sách trúng…

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nội dung Tiểu dự án 2 thuộc Dự án hỗ trợ việc làm bền vững trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là triển khai hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo.

Xuất khẩu lao động -
Tư vấn chính sách ưu đãi xuất khẩu lao động tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Nguồn: ITN

Cụ thể, đối với người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sẽ được hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo là 50.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở 400.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân 600.000 đồng/người. Ngoài ra, người lao động thuộc đối tượng nói trên còn được hỗ trợ chi phí làm thủ tục như hộ chiếu, giấy thông hành, lý lịch tư pháp, khám sức khỏe… Đối với người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo sẽ được hỗ trợ tiền đào tạo nghề, bổ túc kỹ năng nghề theo chi phí thực tế; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ theo chi phí thực tế, tối đa bằng 70% mức hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 

Xác định xuất khẩu lao động vừa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, thời gian qua, Hội đồng Nhân dân các tỉnh đã kịp thời ban hành Nghị quyết nhằm hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Chẳng hạn, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết 06 quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, diện bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật, thân nhân người có công với cách mạng sẽ được hỗ trợ học nghề, học ngoại ngữ, đào tạo kiến thức cần thiết, hỗ trợ vay vốn và các chi phí như visa, thị thực, lý lịch tư pháp, khám sức khỏe, hỗ trợ đào tạo nâng cao theo nhu cầu của nước tiếp nhận…

Hội đồng Nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, với 2 nhóm đối tượng cụ thể. Trong đó, nhóm 1 có 150 lao động là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; nhóm 2 có 1.350 lao động là đối tượng ngoài nhóm đối tượng 1. Nhóm đối tượng 1 được hỗ trợ không hoàn lại 13 triệu đồng cho 1 đối tượng 1 lần xuất cảnh, gồm: chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn trong thời gian đào tạo, chi phí đi lại, hỗ trợ tiền khám sức khỏe, làm thị thực. Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ vay vốn với 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài...

… cần truyền thông hiệu quả

Mặc dù người nghèo được hỗ trợ sinh hoạt phí, học ngoại ngữ, học nghề, thậm chí là vay 100% chi phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài, nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, tỷ lệ lao động ở các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động còn khiêm tốn. 

Một trong các nguyên nhân là do người lao động chưa hiểu rõ yêu cầu, điều kiện, chính sách cũng như còn khó khăn nhất định khi làm hồ sơ, thủ tục phù hợp với khả năng, trình độ, tài chính cá nhân. Ngoài những hạn chế như thiếu kỹ năng, không biết ngoại ngữ, không có vốn… thì tâm lý ngại đi xa cũng là trở ngại khiến lao động nghèo chưa mặn mà với xuất khẩu lao động.

Ông Nguyễn Gia Liêm cho rằng, để khắc phục thực trạng lao động huyện nghèo, lao động người dân tộc thiểu số ngại đi làm việc ở nước ngoài, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần cung cấp thông tin về thị trường lao động ngoài nước; chính sách pháp luật hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tư vấn các thị trường phù hợp với từng vùng, từng địa phương, để người lao động nắm bắt, lựa chọn. Bên cạnh đó, truyền thông gương sáng điển hình đi làm việc hiệu quả, giúp lao động nghèo, lao động người dân tộc thiểu số tự tin, đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. 

Là một trong những địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền về xuất khẩu lao động, từ đầu năm đến tháng 10.2022, toàn tỉnh Lạng Sơn đã có khoảng 600 người lao động đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan - Trung Quốc (tăng gấp gần 10 lần so với số người lao động đi xuất khẩu lao động của năm 2021) với mức thu nhập ổn định trung bình từ 20 - 40 triệu đồng/tháng. Trong đó, Hữu Lũng, Chi Lăng và Bắc Sơn là 3 huyện có số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nhiều nhất tỉnh. Theo đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hữu Lũng, nhờ phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về tạo việc làm, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện có 148 lượt xuất cảnh tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Còn với tỉnh Bạc Liêu, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, công ty đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức tuyên truyền, hội thảo tư vấn cho người lao động về chính sách, quy trình tuyển dụng người lao động đi làm việc, học tập có thời hạn ở nước ngoài. Sở cũng tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ký kết với 18 công ty trực tiếp xuất khẩu lao động. Trong 18 công ty này, tỉnh đã chọn những công ty uy tín và thời gian qua đưa lao động sang những thị trường có lương cao, nên đã mang lại hiệu quả cho lao động Bạc Liêu. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 300 lao động đã xuất cảnh ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc... vượt chỉ tiêu đề ra. 

Dương Cầm
#