Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở

Thống nhất và hiệu quả

- Thứ Bảy, 30/12/2023, 08:41 - Chia sẻ

Được Quốc hội Khóa XIII thông qua vào ngày 20.6.2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2014, sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả, khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. 

Xây dựng mô hình hòa giải phù hợp

Theo Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa, thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở 2013 cho thấy, nhiều địa phương cũng chú trọng xây dựng các mô hình hòa giải ở cơ sở phù hợp với đặc điểm của địa phương như các tổ hòa giải điển hình tiên tiến, câu lạc bộ hòa giải, tổ hòa giải kiểu mẫu, tổ hòa giải 5 tốt…

Trung bình mỗi năm, các tổ hoà giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước tiếp nhận trên 120.000 vụ, việc. Nguồn: ITN
Trung bình mỗi năm, các tổ hoà giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước tiếp nhận trên 120.000 vụ, việc. Nguồn: ITN

Theo đó, trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiếp nhận trên 120.000 vụ, việc và hòa giải thành trên 100.000 vụ, việc. Số lượng các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của cho nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Điển hình như tại tỉnh Lạng Sơn, trong 10 năm qua, các tổ hòa giải đã hòa giải thành công 22.093/29.340 vụ việc, đạt tỷ lệ 75,2%; xây dựng được 395 tổ hòa giải điển hình tiên tiến với tỷ lệ hòa giải thành công đạt trên 90%. Toàn tỉnh đã tổ chức trên 100 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật với 18.250 lượt người dự; trên 350 lượt tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng về thành tích trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Với tỉnh Long An, qua 10 năm triển khai, số vụ việc hòa giải thành công tăng so với trước đây. So với giai đoạn 2015 - 2018, giai đoạn 2019 - 2022 số vụ việc hòa giải ở cơ sở giảm trên 48%. Cụ thể, giai đoạn 2015 - 2018 tiếp nhận 9.125 vụ việc, tổ chức hòa giải thành công 8.082 vụ việc, đạt tỷ lệ trung bình 88,54%; giai đoạn 2019 - 2022 tiếp nhận 4.424 vụ việc, tổ chức hòa giải thành công là 4.060 vụ, đạt tỷ lệ trung bình 91,8%; 6 tháng đầu năm 2023 đã tiếp nhận 447 vụ, việc, tổ chức hòa giải thành công là 430 vụ việc, đạt tỷ lệ 96,19%.

Quan tâm bố trí nguồn lực phù hợp

Theo ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), ở địa phương nào có nhận thức đúng đắn, quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác hòa giải ở cơ sở thì ở nơi đó, công tác này đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, muốn làm tốt công tác hòa giải cơ sở thì đội ngũ hòa giải viên phải được trang bị những kỹ năng nhất định.

Tuy nhiên, một số nơi, nguồn lực bố trí cho công tác hòa giải chưa được thỏa đáng; chưa chú trọng tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng, kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Từ đó, chất lượng hòa giải viên chưa đồng đều, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, nhiều nơi lựa chọn hòa giải viên còn mang tính hình thức; để có đủ hòa giải viên trong tổ hòa giải, một số địa phương lựa chọn người chưa có nhiều kỹ năng, trình độ hiểu biết pháp luật.

Mặt khác, Luật Hòa giải ở cơ sở có quy định và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã chi tiết hóa. Theo đó, mỗi vụ việc hòa giải thành, mức bồi dưỡng cho tổ hòa giải tối đa là 200.000đồng/vụ việc, chi phí hành chính cho các tổ hòa giải 100.000 đồng/tháng - đó là mức rất "khiêm tốn" cho công sức họ bỏ ra. Trong năm 2023, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Tài chính thảo luận và ngày 18.8.2023 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 56/2023/TT-BTC nâng mức bồi dưỡng lên 300.000 đồng/vụ việc hòa giải thành công.

Nhiều chuyên gia cho rằng, lực lượng hòa giải viên đa phần là những cán bộ công chức đã nghỉ hưu hoặc những người dân có uy tín trong cộng đồng. Họ là những người "ăn cơm nhà vác ngà voi". Để họ thêm gắn bó và nhiệt huyết tham gia công tác này, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, các địa phương cần tạo điều kiện về cơ sở vật chất, bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng để tổ hòa giải hoạt động.

Chú trọng công tác phối hợp

Không ít ý kiến cho rằng, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở; chú trọng tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức khác nhau, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đời sống sinh hoạt cộng đồng.

Theo đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng), cần tăng cường công tác phối hợp các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương; đồng thời tranh thủ vai trò của các già làng trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo làm nòng cốt trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở….

Lãnh đạo Bộ Tư pháp khẳng định, công tác vận động quần chúng, thu hút sự tham gia phối hợp thực hiện của các đoàn thể tại cơ sở, các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam... có ý nghĩa quan trọng.

Do vậy, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cần tham mưu cho cấp ủy địa phương có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng thuận và sự vào cuộc của hệ thống chính trị tham gia thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Trong đó, quan tâm đến công tác lựa chọn, bố trí hòa giải viên; thành lập, liên tục rà soát, kiện toàn tổ hòa giải trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng cơ chế hòa giải ở cơ sở để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật.

Thảo Mộc
#