Sớm sửa đổi Luật Thi hành án dân sự

- Thứ Sáu, 01/03/2024, 07:27 - Chia sẻ

Theo các chuyên gia, pháp luật về thi hành án dân sự hiện đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; chưa theo kịp quan hệ phát sinh trong thực tiễn phát triển của đất nước; nhiều quy định tại Luật Thi hành án dân sự chưa đồng bộ với pháp luật khác liên quan. Thực tế đó đòi hỏi, phải sớm sửa đổi Luật Thi hành án dân sự, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. 

Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2023, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 575.667 việc, tăng 36.377 việc (tăng 6,75%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỷ lệ 83,24% (tăng 0,74%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,74% so với chỉ tiêu được giao. Về tiền, đã thi hành xong hơn 89.505 tỷ đồng, tăng 14.264 tỷ đồng (tăng 18,96%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỷ lệ 46,44% (tăng 1,03%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,94% so với chỉ tiêu được giao.

Tính riêng kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong là 2.264 việc, tăng 369 việc (tăng 19,47%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỷ lệ 67,10% (giảm 2,08%) so với cùng kỳ năm 2022. Về tiền, đã thi hành xong hơn 20.405 tỷ đồng, tăng 4.415 tỷ đồng (tăng 27,62%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỷ lệ 41,11% (tăng 4,43%) so với cùng kỳ năm 2022.

Với vai trò là "đầu tàu" phát triển kinh tế - xã hội, tổng số việc và tiền phải thi hành của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đứng đầu trong cả nước, hơn 104.000 việc với gần 144.000 tỷ đồng phải giải quyết, chiếm khoảng 1/6 về việc và khoảng 2/5 về tiền trong tổng số toàn hệ thống. Tính đến nay, các cơ quan thi hành án dân sự tại TP. Hồ Chí Minh có hơn 300 chấp hành viên và bình quân mỗi chấp hành viên phải giải quyết khoảng 335 việc/năm; trong đó có nhiều vụ án lớn và phức tạp, nhiều tài sản khó xử lý...

Mặc dù vậy, theo Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái, công tác thi hành án dân sự cũng gặp hạn chế, vướng mắc như một số chấp hành viên trình độ chuyên môn chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ, có trường hợp vi phạm kỷ luật bị xử lý. Bên cạnh đó, hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan có liên quan có lúc, có việc còn chậm. Số lượng việc, tiền phát sinh tăng (năm 2023 tăng gần 90 nghìn việc, trên 34 nghìn tỷ đồng so với năm 2022); trong khi biên chế, số lượng chấp hành viên giảm hơn 100 biên chế.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Theo các chuyên gia, số lượng vụ việc phải thi hành án có xu hướng ngày càng tăng, giá trị lớn, tính chất pháp lý phức tạp, nhiều vấn đề mới phát sinh; trong khi đó, tổ chức bộ máy, biên chế, nguồn lực, cơ sở vật chất bảo đảm, phục vụ công tác quản lý và tổ chức thi hành án dân sự còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hiện nay...

Mặt khác, thời gian tổ chức thi hành án vẫn còn dài; một số loại việc có thể thi hành nhanh chóng, đơn giản như kết chuyển tạm thu án phí, trả tiền, tài sản cho đương sự, thì vẫn còn không ít loại việc phải tốn nhiều thời gian để thi hành, nhất là các loại việc liên quan đến đất đai, thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ tham nhũng, kinh tế lớn.

Theo ông Nguyễn Quang Thái, so với yêu cầu, có những khâu, Luật hiện hành chưa quy định rõ thời hạn, một số khâu lại quy định thời gian khá dài. Đơn cử như thời gian thông báo, tống đạt; thời gian đề nghị cơ quan có thẩm quyền khi tài sản thi hành án có tranh chấp; thẩm định giá; bán đấu giá tài sản thi hành án. Cùng với đó là thủ tục xử lý các khoản tiền, tài sản khi hoàn trả nhưng đương sự không đến nhận; thủ tục miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án; trình tự, thủ tục về biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế… Đây là nguyên nhân dẫn đến thời gian giải quyết một vụ việc còn khá dài trong tổng thể thời gian giải quyết một vụ việc dân sự. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tăng chi phí giải quyết vụ việc.

Đối với những khó khăn về thể chế, Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự đang khẩn trương tổng kết, tham mưu sửa đổi Luật Thi hành án dân sự với 5 nhóm chính sách lớn. Trong đó, sẽ tập trung đột phá vào thủ tục thi hành án, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm chi phí; tính toán kỹ lưỡng hướng xử lý đối với loại án chưa có điều kiện thi hành án, không để tình trạng như hiện nay là án không có điều kiện nhưng vẫn phải theo dõi, xác minh.

Đồng thời, tăng cường các điều kiện bảo đảm, đáp ứng yêu cầu quản lý và hoạt động thi hành án dân sự; bảo đảm nguồn nhân lực của hệ thống thi hành án dân sự đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, ngang tầm với nhiệm vụ được giao, tương ứng, đồng bộ với các cơ quan tố tụng. Mặt khác, quy định các nguyên tắc để bảo đảm nguồn lực phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, trụ sở, kho vật chứng cho cơ quan thi hành án dân sự...

Dương Cầm
#