Quyết tâm vì mục tiêu “việc làm thỏa đáng” cho người lao động

- Thứ Ba, 23/07/2024, 06:09 - Chia sẻ

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của toàn ngành lao động, trong 6 tháng đầu năm 2024, các chỉ số về việc làm, kỹ năng nghề, tiền lương cho người lao động đều được bảo đảm. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 ngành lao động, thương binh và xã hội do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa tổ chức tại Đồng Hới (Quảng Bình). 

51,4 triệu lao động có việc làm

Lĩnh vực việc làm, phát triển thị trường lao động được xem là điểm sáng trong 6 tháng đầu năm của ngành lao động. Tính chung 6 tháng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên cả nước là 52,5 triệu người, tăng 196.600 người so với cùng kỳ; lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195.700 người so với cùng kỳ; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm là 51,4 triệu người; cả nước có gần 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn. Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 78.640 lao động, đạt 62.91% kế hoạch; trong đó có 23.845 lao động nữ.

Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30.6.2024 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Ước tính đến hết tháng 6, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 18,3 triệu, chiếm 39,05%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 14,2 triệu, tăng 1,67% so với cùng kỳ 2023.

Số lượng lao động có việc làm, tay nghề lao động, thu nhập đều tăng trong nửa năm qua (ảnh: Nguyễn Thiện Tín)
Số lượng lao động có việc làm, tay nghề lao động, thu nhập đều tăng trong nửa năm qua. Ảnh: Thiện Tín

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh năm 2024; tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác; rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tính đến tháng 6.2024, có 1.878 cơ sở.

Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, thời gian qua, điểm nổi bật là Bộ đã tham mưu cho Trung ương ban hành Nghị quyết rất quan trọng, đó là Nghị quyết số 42-NQ/TW về chính sách xã hội trong giai đoạn 2022 - 2030 và tầm nhìn 2045 với rất nhiều vấn đề lớn, quan trọng, nền tảng, tạo đột phá cho chính sách an sinh xã hội tầm nhìn đến 2045; phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong chính sách xã hội và việc làm thỏa đáng bền vững của Liên Hợp Quốc.

Triển khai đồng bộ các chính sách về việc làm

Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, ngành đã cơ bản bảo đảm cung cầu lao động; các chỉ tiêu giảm nghèo cơ bản đạt, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu giảm nghèo đạt và vượt... Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn tình trạng thiếu việc làm, việc làm không bền vững; giải ngân đầu tư công chưa quyết liệt...

Với tất cả các phân tích trên, cùng với kết quả đạt được trong nửa đầu năm, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, cần tập trung triển khai toàn diện những trọng tâm trong 6 tháng còn lại; trong đó tập trung tham mưu cơ chế, xây dựng các chính sách, đặc biệt là Luật Việc làm để trình Quốc hội. Các địa phương cần tổ chức tốt công tác dự báo cung cầu lao động trên từng địa bàn, đẩy mạnh kết nối việc làm. Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng yêu cầu tập trung đào tạo nhân lực một số lĩnh vực mới nổi như kỹ sư, chíp bán dẫn hydrogen và nhân lực tín chỉ carbon.

Để triển khai nhanh, hiệu quả, đồng bộ các chính sách, giải pháp đã ban hành nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, những tháng cuối năm 2024; Bộ yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp điều hành đã đề ra tại Quyết định số 90/QĐ-LĐTBXH ngày 19.1.2024 của Bộ trưởng.

Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như cụ thể hóa, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 9.5.2024 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24.11.2023; hoàn thành các đề án, nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương; tập trung cho công tác tuyển sinh, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; thúc đẩy đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao.

Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao năng lực phân tích, chủ động dự báo cung cầu việc làm, việc làm mới, việc làm bền vững, việc làm thỏa đáng; tăng cường đối thoại chính sách, xây dựng quan hệ hài hòa ổn định và phát triển tiến bộ.

Dương Lê