Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng: Không chỉ cơ quan chức năng

- Thứ Ba, 29/11/2022, 15:18 - Chia sẻ

Không thể phủ nhận những tiện ích từ mạng xã hội với những thông tin nhiều chiều, hấp dẫn. Tuy nhiên, môi trường mạng cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ em.

Lợi dụng mạng xã hội làm quen, dụ dỗ

Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2022 đến nay, Công an các địa phương đã khởi tố 42 bị can về các tội liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có 21 bị can là người dưới 18 tuổi (chiếm tỉ lệ 50%). Ngoài ra, còn xảy ra nhiều vụ án mà nạn nhân là người từ 13 tuổi trở xuống. Trong đó, có rất nhiều vụ việc liên quan đến sử dụng mạng xã hội để làm quen, tiếp cận nạn nhân. Thủ đoạn phạm tội của đối tượng sử dụng không gian mạng là thông qua các dịch vụ mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò kết bạn, làm quen, dụ dỗ trẻ em gặp gỡ để quan hệ, xâm hại tình dục.

Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng: -0
Cần hơn nữa những hoạt động tuyên truyền pháp luật về xâm hại tình dục trên không gian mạng

Thực tế cho thấy, một số đối tượng thông qua mạng xã hội, làm quen, đặt vấn đề quan hệ tình cảm hoặc hứa hẹn trao đổi vật chất (tiền quà) để dụ dỗ, đe dọa, ép buộc trẻ em trình diễn khiêu dâm qua mạng. Một số trường hợp còn đăng tải lên không gian mạng các hình ảnh, clip trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực học đường; các hình ảnh riêng tư, nhạy cảm của trẻ em. Đặc biệt, thời gian gần đây nổi lên thủ đoạn thông qua mạng xã hội làm quen, "núp bóng" tuyển dụng để hẹn gặp gỡ, lôi kéo, khống chế, cưỡng ép đưa trẻ em đến các khu lao động bất hợp pháp tại nước ngoài để bóc lột lao động, bóc lột tình dục.

Trung tá Dương Thế Quỳnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Kạn cho hay, “các đối tượng thường liên quan đến sử dụng rượu, bia, xem các trang mạng xã hội không lành mạnh, sau đó lợi dụng các cháu không có người quản lý để thực hiện hành vi hiếp dâm, có những trường hợp các cháu bị xâm hại nhiều lần, có trường hợp bị xâm hại dẫn đến có thai…”

Cần lắm sự đồng hành của phụ huynh

Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho biết: để ngăn chặn tình trạng trên, mới đây Bộ Công an đã ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Cụ thể, Bộ Công an; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành "Quy chế phối hợp trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng".

Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng: -0
Trang bị cho các em những kiến thức liên quan đến giới tính, cách bảo vệ mình và sử dụng mạng xã hội an toàn

Quy chế gồm 3 chương, 11 điều, quy định cụ thể các vấn đề về nguyên tắc, hình thức, nội dung phối hợp và trách nhiệm của các đơn vị thuộc liên quan trong công tác phối hợp tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và theo dõi thông tin, dữ liệu liên quan đến các đối tượng có tiền án, tiền sự xâm hại tình dục trẻ em.

Cụ thể, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an; Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông là các đơn vị được giao nhiệm vụ Cơ quan thường trực, điều phối, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy chế. Sau khi quy chế được ban hành, Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, chủ động phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Thông tin và Truyền thông thống nhất thực hiện, nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, để phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì vai trò của phụ huynh, nhà trường, những người trực tiếp nuôi dưỡng, quản lý con trẻ rất quan trọng. Trong đó, gia đình cần quan tâm, giáo dục cho các em về những vấn đề liên quan đến giới tính, tâm sinh lý lứa tuổi cũng như những kỹ năng để phòng tránh xâm hại tình dục, nhất là cách sử dụng mạng xã hội an toàn. Còn, nhà trường cần chú trọng trang bị cho các em những kiến thức cần thiết về xã hội, pháp luật để các em có sự hiểu biết về giới tính, cách bảo vệ mình trước những hành vi xâm hại. Từ sự hiểu biết về các kiến thức liên quan, các em sẽ bảo vệ mình trước những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn trên môi trường mạng. 

Đình Khoa
#