Nhiệm vụ trọng tâm

- Thứ Sáu, 15/12/2023, 08:13 - Chia sẻ

Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã xác định nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Chất lượng giáo dục sẽ góp phần nâng cao dân trí, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào; khắc phục sự thiếu hụt cán bộ quản lý là người địa phương. Ðây cũng là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền - nhà trường - gia đình

Giai đoạn 2021 - 2023, Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nói chung và giáo dục học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng. Nhờ đó, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của nhiều Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh hàng năm đều đạt 100%; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đạt trên 80%.

Tính đến đầu năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục Gia Lai đã có 756 trường mầm non và phổ thông với 418.617 học sinh/12.227 lớp; trong đó, học sinh DTTS chiếm trên 46%. Toàn tỉnh có 17 trường phổ thông dân tộc nội trú, 22 trường phổ thông dân tộc bán trú, 27 trường phổ thông có học sinh bán trú. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ở các bậc học hơn 21.000 người.

Với quy mô ngày càng mở rộng, được đầu tư từng bước nên cơ sở vật chất ngành giáo dục tỉnh dần hoàn thiện, đáp ứng nhiệm vụ dạy và học, cũng như công tác đổi mới giáo dục. Hiện Gia Lai có 3.416 phòng học văn hóa và phòng học bộ môn từ bậc mầm non đến THPT. Riêng các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) có 18 nhà ăn, 539 phòng ở nội trú; trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) có 24 nhà ăn, 202 phòng ở bán trú.

Cơ sở vật chất giáo dục ở Gia Lai ngày càng được hoàn thiện tạo môi trường học tập tốt nhất cho thầy và trò
Cơ sở vật chất giáo dục ở Gia Lai ngày càng được hoàn thiện tạo môi trường học tập tốt nhất cho thầy và trò. Nguồn: ITN

Mặt khác, tỉnh luôn có kế hoạch bảo đảm học sinh đạt chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi khối lớp và cấp học, đáp ứng yêu cầu Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”.

Nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền - nhà trường - gia đình, ổn định số học sinh đến lớp, chương trình giáo dục đặc thù được các đơn vị tổ chức phù hợp với đối tượng học sinh DTTS và điều kiện của nhà trường, đồng thời tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện như trong một đại gia đình; đồng thời giúp học sinh giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như phát triển năng lực cá nhân toàn diện.

Học sinh trường PTDTNT, bán trú, nhà giáo hay học sinh vùng đặc biệt khó khăn đều có chính sách hỗ trợ kịp thời theo quy định; xã hội hóa giáo dục ngày càng được đẩy mạnh; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh học đường luôn được quan tâm duy trì.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, tính đến đầu năm 2023 tỉnh có tổng số 761 trường mầm non, phổ thông, 12.104 lớp với 415.318 học sinh. Tổng số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông hiện có mặt là 22.505 người, trong đó cán bộ quản lý là 1.871, giáo viên là 18.274, nhân viên 1.530.

Để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực ngành giáo dục, hiện Gia Lai rất chú trọng phát triển bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm đối với cán bộ quản lý, giáo viên về phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục địa phương và bồi dưỡng phát triển năng lực. Các giải pháp được triển khai cụ thể như: thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, lòng yêu nghề cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục, phong trào xây dựng văn hóa học đường, chuẩn bị các nguồn lực để tham gia tốt các Hội thi, Hội thao, Hội diễn theo kế hoạch của ngành giáo dục.

 Ngành giáo dục Gia Lai chú trọng tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện
 Ngành giáo dục Gia Lai chú trọng tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Nguồn: ITN

Mặt khác, mục tiêu đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường, nâng cao kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, được ngành giáo dục quan tâm. Thời gian gần đây, ngành giáo dục tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tích hợp công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý để thầy và trò chủ động xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, đánh giá; qua đó đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia đối với trường Mầm non, tiểu học, trường THCS theo quy định.

Mỹ Ngọc
#