Nhà báo, phóng viên nữ cần trở thành những người tiên phong về bình đẳng giới

- Thứ Năm, 19/10/2023, 09:11 - Chia sẻ

Mỗi nhà báo, phóng viên đóng vai trò quan trọng trong định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng và công bằng giới, xóa bỏ những định kiến giới truyền thống, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới.

​​Đó là chia sẻ của Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo nữ Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô - Lê Quỳnh Trang bên lề Tọa đàm “Giới và Báo chí” do nhóm G4 - Đại sứ quán các nước: Canada, Na Uy, New Zealand, Thụy Sĩ và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Câu lạc bộ Nhà báo nữ thuộc Hội nhà báo Việt Nam tổ chức, ngày 18.10.

- Thưa bà, với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo nữ Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, bà đánh giá thế nào về vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam?

Nhà báo, phóng viên nữ cần trở thành những nhà tiên phong về bình đẳng giới -0
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo nữ Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô Lê Quỳnh Trang

- Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới, nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước và cả cộng đồng rất quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới, phòng, chống định kiến giới. Cụ thể: Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và thứ 2 trên thế giới ký kết Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em; là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chiến lược liên quan như: Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó đặt ra mục tiêu 5 “Đạt được sự bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021- 2030, Kế hoạch Hành động quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giai đoạn 2020-2025.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới. Quốc hội, Chính phủ nỗ lực không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực bình đẳng giới như: Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… mà trọng tâm là Luật Bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, trên cơ sở các cam kết quốc tế về bình đẳng giới và thông qua các công ước quốc tế như công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là một thành viên tích cực… phụ nữ và trẻ em Việt Nam đều được bảo vệ. Rõ ràng, tại Việt Nam hệ thống quy định pháp luật và hành lang pháp lý về bình đẳng giới đã khá hoàn thiện và tiến bộ. Điều này thể hiện trong Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới (2006) và các văn bản thi hành.

Điển hình có thể kể đến những quy định tại Luật Bình đẳng giới. Theo đó, tại Điều 5 Luật Bình đẳng giới (2006) quy định, “bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”…

Đặc biệt, trên lĩnh vực báo chí, truyền thông, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới cũng dần hoàn thiện với Luật Quảng cáo 2012, Luật Báo chí (2016), Luật Tiếp cận thông tin (2016), Luật An ninh mạng 2018, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030…

Với những nỗ lực không ngừng trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới, được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Báo cáo Phát triển con người năm 2021 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021, Việt Nam đã tăng vượt hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, từ 117/189 quốc gia vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia vào năm 2021.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới. Theo thống kê, sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp vẫn còn thấp; tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực cao (63%); khoảng cách thu nhập giữa nam giới và phụ nữ lớn (4,58 triệu và 5,19 triệu)…

- Báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng và công bằng giới. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Nhà báo, phóng viên nữ vẫn vấp phải không ít khó khăn do định kiến, thậm chí có nguy cơ bị xâm hại khi tác nghiệp. Bà đánh giá thế nào về ý kiến trên?

Tôi cho rằng, đó cũng là biểu hiện của sự bất bình đẳng giới trong nghề nghiệp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng giới hiện nay được xác định là những định kiến về giá trị và cách suy nghĩ truyền thống của xã hội về cách ứng xử hay vai trò của nam giới và phụ nữ. Những suy nghĩ, định kiến này đang cản trở những tiềm năng phát triển của cả nam giới và phụ nữ…

Tôi cho rằng, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng và công bằng giới. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tồn tại nghịch cảnh là chính những nhà báo, phóng viên nữ đang bị đối xử bất bình đẳng. Họ gặp phải khó khăn khi tham gia các hoạt động chuyên môn.

Ví dụ, khi đến làm việc với các địa phương thường được hỏi: “Sao báo phụ nữ lại quan tâm tới vấn đề này?”; Hay khi viết bài về vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới ở một xã miền núi, lãnh đạo địa phương xã ngạc nhiên vì là nữ nhà báo lại tác nghiệp xa như vậy. Đáng chú ý, khi tác nghiệp những vụ việc liên quan trực tiếp đến giới như bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, thì nhiều nạn nhân từ chối tố cáo, hợp tác hoặc che giấu bằng chứng cho thủ phạm (là người thân trong gia đình) do rào cản tâm lý hoặc thiếu hiểu biết pháp luật. Đặc biệt, nhà báo, phóng viên nữ tham gia nhiều vụ việc còn gặp nguy hiểm, đe dọa của thủ phạm bạo hành, xâm hại, thậm chí bị xâm hại… Điều đó cho thấy, nhà báo, phóng viên nữ đã sẵn chịu định kiến chân yếu tay mềm, không xông xáo...

Nói riêng về Báo Phụ nữ Thủ đô, chúng tôi là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội. Ngay từ khi thành lập, báo đã xác định tôn chỉ, mục đích hoạt động là diễn đàn về giới, bảo vệ, chăm lo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Đây là môi trường thuận lợi cho phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô khi tác nghiệp về giới.

Tuy nhiên, đối với tờ báo Phụ nữ Thủ đô, chúng tôi cũng phải chịu nhiều định kiến về báo giới - báo của phụ nữ. Nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức vẫn định kiến cho rằng báo phụ nữ chỉ quan tâm tới các vấn đề như: “con cá, lá rau”, “quan hệ mẹ chồng - nàng dâu”, “chuyện phòng the”, “tình cảm vợ chồng”...  Định kiến giới đã cản trở phạm vi hoạt động, đề tài của phóng viên. Mặt khác, do định kiến nên báo giới nhận được sự đầu tư về nguồn lực còn khiêm tốn so với nhiều tờ báo khác.

- Trước bối cảnh đó, bà có khuyến nghị gì nhằm tăng cường bình đẳng giới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả nam và nữ phát triển hết tiềm năng sẵn có?

- Truyền thông đại chúng có tác động đặc biệt trong việc truyền tải nội dung thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Do đó, theo tôi, thời gian tới, chúng ta vẫn cần chú trọng việc tuyên truyền, vận động, lan tỏa những thông điệp đúng đắn, sâu sắc, toàn diện về bình đẳng giới.

Bên cạnh những thành tựu trong việc tuyên truyền bình đẳng giới vẫn còn tồn tại không ít “hạt sạn” trong xây dựng hình ảnh nam giới, phụ nữ. Các bài viết có yếu tố giới được “đóng khung” cách mô tả/phản ánh nam giới, phụ nữ hoặc trong cách phân tích, lý giải và định hướng cách tư duy, tiếp cận các vấn đề giới thiếu bình đẳng. Một số phóng viên, nhà báo còn thiếu kiến thức và kỹ năng khi sản xuất các sản phẩm báo chí, truyền thông có nhạy cảm giới. Nhiều sản phẩm đã và đang củng cố định kiến giới và góp phần duy trì tình trạng bất bình đẳng giới. Vì vậy, cần chính những nhà báo, phóng viên cũng phải tăng cường kỹ năng khai thác các vấn đề về giới.

Bên cạnh đó, cần xóa bỏ tư duy đánh giá các tờ báo về giới thấp hơn các báo khác. Đồng thời, cần có giải pháp chống phân biệt đối xử đối với phóng viên làm việc trong các tờ báo giới. Cần có sự cởi mở hơn trong cung cấp, tiếp cận thông tin, khai thác thông tin đối với nữ nhà báo, phóng viên, đặc biệt là khi họ ở các tờ báo giới. Mỗi nhà báo, phóng viên cần khách quan, trung thực khi viết về nam giới, nữ giới…

Với vai trò, năng lực của mình, mỗi nhà báo, phóng viên nữ cần trở thành những nhà tiên phong về bình đẳng giới, có những góc nhìn đúng đắn, khách quan, để tránh việc vô tình củng cố các định kiến giới.

Đặc biệt, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi tư duy để loại bỏ những kì thị, thiên kiến củng cố thêm bất bình đẳng giới trong đời sống xã hội, cản trở sự phát triển của mỗi giới, đồng thời tác động tiêu cực tới sự phát triển bền vững của đất nước.

- Xin cảm ơn bà!

Đức Hiệp thực hiện
#