Người khuyết tật truyền cảm hứng vượt lên số phận

- Thứ Hai, 11/12/2023, 07:38 - Chia sẻ

Tại diễn đàn lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật 2023 mới đây, 22 huấn luyện viên, vận động viên thể thao người khuyết tật đã được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và 11 huấn luyện viên, vận động viên đã nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ khi mang vinh quang về cho Tổ quốc tại ASEAN Para Games 12 ở Campuchia. Đây là sự khích lệ đối với cộng đồng người khuyết tật.

Người khuyết tật có nhiều đóng góp tích cực

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi khẳng định, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến công tác người khuyết tật. Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật khá toàn diện, đầy đủ nhằm thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong thực hiện các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thời gian qua, hoạt động thể dục thể thao của người khuyết tật cũng đóng góp không nhỏ vào bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam; rất nhiều vận động viên là người khuyết tật đã được vinh danh trên các đấu trường thể thao khu vực và quốc tế…

Theo Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, nước ta hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên; trong đó, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9% với khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Đến nay, đã có hơn 1,1 triệu người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Đánh giá cao những nỗ lực và thành tích xuất sắc của các vận động viên khuyết tật, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông chia sẻ, tại các kỳ đại hội và các giải thể thao quốc tế, có rất nhiều tấm gương sáng về ý chí, nghị lực phi thường của các vận động viên khuyết tật Việt Nam. Họ đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rèn luyện, vượt qua khiếm khuyết, trở ngại của bản thân để giành được những thành tích xuất sắc, góp phần mang lại vinh quang và niềm tự hào cho đất nước.

Phong trào thể thao người khuyết tật đã có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước động viên, cổ vũ, tập hợp những người có số phận kém may mắn tham gia tập luyện thể dục thể thao, tạo điều kiện cho họ hòa nhập với cộng đồng và đóng góp tài năng, sức lực, trí tuệ để nâng cao thành tích thể thao người khuyết tật trên đấu trường quốc tế.

"Tại các kỳ đại hội và các giải thể thao quốc tế, nước ta đã được chứng kiến những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực phi thường của các vận động viên khuyết tật Việt Nam. Họ đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rèn luyện, vượt qua những khiếm khuyết, trở ngại của bản thân để giành được những thành tích xuất sắc, góp phần mang lại vinh quang và niềm tự hào cho đất nước. Đã có nhiều huấn luyện viên, vận động viên thể thao là người khuyết tật được trao tặng những phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, do đạt thành tích đặc biệt xuất sắc tại các kỳ Đại hội thể thao người khuyết tật khu vực, châu lục và thế giới" - Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Vận động viên bơi lội Lê Tiến Đạt và Vận động viên cờ vua Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại Diễn đàn lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật 2023, diễn ra ngày 29.11 (Đức Hiệp)
Vận động viên bơi lội Lê Tiến Đạt và Vận động viên cờ vua Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại Diễn đàn lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật 2023, diễn ra ngày 29.11. Ảnh: Đức Hiệp

Vận động viên bơi lội Lê Tiến Đạt, người vừa được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ xúc động chia sẻ, từ nhỏ tôi đã có đam mê bơi lội và luôn luôn khát khao vươn lên. ASEAN Para Games dù gặp khó khăn về thời tiết, song, các vận động viên cố gắng thi đấu hết mình để đem lại vinh quang cho Tổ quốc. Được Đảng và Nhà nước ghi nhận, chúng tôi rất tự hào và sẽ tiếp tục cố gắng luyện tập, đem về thành tích cao hơn cho đoàn thể thao Việt Nam. Tôi ước mơ một ngày nào đó, sẽ đoạt được tấm Huy chương Vàng châu Á.

Còn với vận động viên cờ vua Nguyễn Thị Hồng, cảm xúc nhận Bằng khen hồi hộp giống như bước vào trận chung kết cờ vua. "Khi đứng trên bục danh dự nghe Quốc ca Việt Nam vang lên, tôi vô cùng xúc động vì đã góp phần nhỏ bé vào thành tích của đoàn thể thao. Bên cạnh luyện tập thi đấu, tôi mong muốn được mở lớp dạy cờ vua cho các em thiếu nhi, nhất là các em người khuyết tật để giúp các em tự tin, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống", chị Hồng bày tỏ.

Trao thêm cơ hội cho người khuyết tật

Trong năm 2023, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đứng thứ 3 toàn đoàn tại ASEAN Para Games lần thứ 12, với 66 huy chương vàng, 58 huy chương bạc, 78 huy chương đồng… Đây là nguồn động viên to lớn cho cộng đồng người khuyết tât, tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ về tinh thần vươn lên vượt khó, chiến thắng bản thân, làm chủ cuộc sống.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, để phong trào thể dục thể thao cho người khuyết tật ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, thu hút ngày càng đông đảo người khuyết tật tham gia rèn luyện, nâng cao sức khỏe, hoàn thiện bản thân, hòa nhập cộng đồng cần có nhiều biện pháp; trong đó, cần tăng cường đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục thể thao đủ kiến thức và năng lực, có tâm huyết, trách nhiệm trong lĩnh vực hoạt động thể dục thể thao người khuyết tật; chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, trước hết về nội dung và phương pháp tập luyện, chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật.

Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ cho người khuyết tật khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao và cải tạo các công trình thể dục thể thao, nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật dễ dàng tiếp cận các công trình này…

Để tiếp tục tạo thêm nhiều cơ hội để người khuyết tật hòa nhập, phát huy khả năng, đóng góp cho xã hội, đồng thời triển khai hiệu quả các chính sách về người khuyết tật, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về người khuyết tật; nhất là cơ chế, chính sách cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, trợ giúp pháp lý... Hơn hết, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp cho người khuyết tật; huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp cho những người khuyết tật.

Đức Hiệp
#