Nam Định:

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều hành vi gian lận hàng hóa

- Thứ Hai, 18/03/2024, 16:05 - Chia sẻ

Nhằm cụ thể hóa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa vào cuộc sống, thời gian qua, hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được các sở, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Nam Định triển khai một cách hiệu quả, góp phần quan trọng ngăn chặn những sai sót do hàng hóa không đảm bảo chất lượng, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định

Theo đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở, đồng thời áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và các đối tác, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Trong năm qua, các sở, ngành chức năng cũng đã tiếp nhận hồ sơ của 59 tổ chức, cá nhân công bố 125 sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tuy nhiên, trên thị trường, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tồn tại, tác động tiêu cực đến đời sống, sức khỏe của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp.

Nâng cao công tác quản lý chất lượng hàng hóa -0
Cục QLTT Nam Định tăng cường kiểm tra, xử lý bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: Phan Phương

Trước thực tế này, các ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật với nhiều hình thức về kiến thức phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong chế biến, sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Thông qua đó, nhiều phong trào, hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa trong doanh nghiệp được phát động tổ chức như: xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ quản lý nhằm cải tiến năng suất chất lượng; tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia; chứng nhận và công bố hợp chuẩn cho chất lượng sản phẩm hàng hóa; bảo hộ sở hữu trí tuệ; đổi mới thiết bị, công nghệ… góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra

Đi đôi với công tác tuyên truyền, các sở, ngành đã phối hợp đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực thi đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp, cơ sở. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều hành vi gian lận về chất lượng, đo lường, ghi nhãn hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong tỉnh.

Trong năm 2023, các sở, ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 4.221 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa trên thị trường toàn tỉnh, phát hiện 407 cơ sở vi phạm (chiếm 9,64% cơ sở được thanh, kiểm tra) và xử lý 381 lượt cơ sở vi phạm các quy định của Nhà nước về chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm. Xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền trị giá trên 3,601 tỷ đồng, tạm giữ và tiêu hủy nhiều loại sản phẩm hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định cho biết, đã thực hiện 3 cuộc khảo sát về chất lượng hàng hóa trong các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu… kiểm tra 125 cơ sở lưu thông hàng hóa trên thị trường, phát hiện 2 cơ sở lưu thông vi phạm quy định về nhãn mác hàng hóa và yêu cầu tạm dừng lưu thông 105 đèn led, 5 quạt tích điện, quạt sạc.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định đã kiểm tra 240 cơ sở kinh doanh, phát hiện 9 cơ sở vi phạm, phạt trên 42 triệu đồng về hành vi nuôi nhốt động vật rừng trái phép và kinh doanh phân bón không đảm bảo tiêu chuẩn công bố. Ở 10 huyện, thành phố đều phát hiện những vi phạm trong hoạt động kinh doanh, sản xuất thực phẩm; kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, về nhãn, và niêm yết giá.

Việc các cấp, ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm sản phẩm hàng hóa thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra và khảo sát chất lượng sản phẩm đã kịp thời xử lý, chấn chỉnh các sai phạm, giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ tốt hơn quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa, điều kiện lưu thông sản phẩm, hạn chế sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh những ưu điểm công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa còn nhiều khó khăn về nguồn lực thực thi, bao gồm cả nhân lực quản lý và năng lực các phòng thử nghiệm, nhất là đối với cấp huyện hiện nay chưa đáp ứng được việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường. 

Nhằm làm tốt hơn nữa công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa để phục vụ công tác kiểm tra, giám định chất lượng hàng hóa từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa giữa cơ quan chuyên môn trong từng lĩnh vực với lực lượng chuyên trách như: công an, quản lý thị trường, hải quan, nông nghiệp và phát triển nông thôn… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa và thông tin cảnh báo đối với hàng hóa có chất lượng vi phạm quy chuẩn, độc hại... để người tiêu dùng cảnh giác, cẩn trọng lựa chọn khi mua bán, sử dụng…

Phan Phương
#