Khẳng định giá trị, đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

- Chủ Nhật, 27/11/2022, 07:17 - Chia sẻ

Trong số 29 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH - CN, có nhiều công trình đã góp phần quan trọng tạo ra sự đột phá về năng suất và hiệu quả kinh tế - xã hội (KT - XH), tiết kiệm và đóng góp đáng kể vào sự phát triển đất nước.

Khoa học phục vụ sản xuất, cải thiện đời sống Nhân dân

Trước hết chúng ta dễ nhận thấy điểm chung của 29 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng là kết quả nghiên cứu bền bỉ, vừa mang tính lý luận sâu sắc vừa mang tính thực tiễn cao, được áp dụng hiệu quả trong cuộc sống, có đóng góp lớn, tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa nước nhà. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, những công trình được tặng Giải thưởng lần này gắn chặt chẽ với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; phục vụ trực tiếp cho mục đích và phát triển KT - XH, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Minh chứng như công trình Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng: ST24 và ST25 giai đoạn 2008 - 2016 của nhóm nghiên cứu Hồ Quang Cua. Nhóm nghiên cứu đã chọn tạo thành công hai giống lúa thơm ST24, ST25 có thời gian sinh trưởng phù hợp với hầu hết các vùng trồng lúa ở Việt Nam, năng suất cao, chống nhiễm nhẹ sâu bệnh, chất lượng cao. Đây là một trong số rất ít các công trình thành công ở Việt Nam về việc sử dụng nhiều dòng bố, mẹ để lai hữu tính theo phương pháp lai nhiều bậc nhằm tích lũy đặc điểm nông sinh học tốt riêng lẻ và con lai.

Diện tích sản xuất lúa ST24 và ST25 phát triển nhanh ở các tỉnh ven biển thuộc bán đảo Cà Mau, giúp tăng thêm thu nhập cho người dân hàng trăm tỷ đồng. Thương hiệu gạo thơm ST24 và ST25 đã trở thành thương hiệu quốc gia, giá trị xuất khẩu hàng nghìn USD, có tiếng vang lớn ở các thị trường nhâp khẩu gạo khó tính như các nước châu Âu.

Tiếp theo là cụm công trình KH - CN về các kết quả nghiên cứu đối với các hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị đồng bộ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ phế phụ phẩm nông nghiệp góp phần xử lý môi trường và phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch, bền vững của PGS.TS. Nguyễn Đình Tùng. Cụm công trình đã đã tạo được hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại, quy mô công nghiệp ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Việc làm chủ công nghệ mới lò khí hóa liên tục cho phép không những sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ nhiều loại phế phụ phẩm nông nghiệp như lõi ngô, trấu, vỏ cà phê,... mà còn nâng cao hiệu suất cháy, nhiệt độ cháy, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải nhà kính, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí so với thiết bị nhập ngoại.

Kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao và ứng dụng thực tế trong sản xuất ở nhiều tỉnh miền núi khó khăn như Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình,... Đã có gần 50 công trình chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tái tạo từ phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất chế biến hạt giống, chế biến, bảo quản nông sản và các sản phẩm nông nghiệp khác, đem lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội đặc biệt cho lao động dân tộc thiểu số.

Hay công trình nghiên cứu công nghệ nghiền khô siêu mịn, nâng cao mức độ tự động hóa và hiệu quả sử dụng nhiệt trong sản xuất ngói cao cấp của Nhóm tác giả Nguyễn Quang Mâu đã thiết lập được một hướng đi mới và hiện đại hơn trong công nghệ sản xuất ngói cao cấp đạt trình độ quốc tế góp phần làm thay đổi cách thức sản xuất gạch ngói đất sét nung Việt Nam đương đại. Công trình nghiên cứu công nghệ nghiền phối liệu cho sản xuất ngói đất sét nung bằng phương pháp khô, siêu mịn, tạo hình dẻo. Nhờ công nghệ này, nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm ngói đất sét nung đã được đa dạng hóa, góp phần tiết kiệm năng lượng, tài nguyên không tái sinh, không phát thải chất thải rắn, hướng đến sản xuất tuần hoàn.

Khẳng định giá trị, đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo -0
Công nghệ sản xuất ngói cao cấp của Nhóm tác giả Nguyễn Quang Mâu đạt trình độ quốc tế

Làm chủ các công nghệ hiện đại

Cụm công trình Nghiên cứu chế tạo xúc tác dị thể, vật liệu nano trong lĩnh vực tổng hợp và ứng dụng nhiên liệu sinh học, các sản phẩm thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu của GS.TS. Vũ Thị Thu Hà và 14 đồng tác giả đã hình thành nhiều công nghệ có bản quyền, từ đó tạo ra các sản phẩm mới, tiên tiến, mang lại hiệu quả vượt trội. Ví dụ, sản phẩm phụ gia mang lại lợi nhuận ròng khoảng 23.000 tỷ đồng/năm nhờ góp phần sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, đồng thời giúp giảm ô nhiễm môi trường trong hoạt động sử dụng năng lượng.

Cụm công trình Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh đường hô hấp của PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung và 22 đồng tác giả đã nghiên cứu, ứng dụng thành công các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm và xây dựng phác đồ mới điều trị bệnh lao. Sau hơn 40 năm lịch sử điều trị bệnh lao tại Việt Nam, nhóm đã nghiên cứu và phát triển thành công phác đồ điều trị lao 4 tháng, rút ngắn thời gian điều trị chỉ còn 2/3 so với thời gian hiện tại. Phác đồ lao kháng thuốc ngắn hạn và phác đồ thuốc mới điều trị lao tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc đã cứu sống hàng nghìn bệnh nhân không có khả năng điều trị, ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, góp phần giảm chi phí cho người bệnh.

Cụm công trình Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam của ThS. Bùi Hoàng Điệp và 11 đồng tác giả là tổ hợp các nghiên cứu khoa học mang tính quyết định đến sự thành công của Dự án Biển Đông 1. Đây là nền tảng cốt lõi khẳng định ý chí và sức sáng tạo của các nhà khoa học trong nước trong thi công chế tạo, hạ thủy và lắp đặt ngoài khơi các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Cụm công trình Nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết, công nghệ chế tạo, tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển, hoán cải giàn khoan dầu khí di động phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng" của KS. Phan Tử Giang và 7 đồng tác giả đã đánh dấu Việt Nam nghiên cứu thành công cơ sở khoa học và phương pháp luận để kiểm nghiệm lại thiết kế cơ sở giàn khoan tự nâng 400ft. Đặc biệt, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có khả năng làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, chạy thử và hạ thủy giàn khoan tự nâng 400ft.

Sẽ còn nhiều các cụm công trình khác nữa, nhưng rõ ràng tất cả đều cho kết quả khẳng định vai trò của KH - CN là động lực phát triển kinh tế - xã hội. 

LINH CHI