Hướng tới lợi ích hài hòa, bền vững

- Thứ Sáu, 14/06/2024, 07:06 - Chia sẻ

Đề xuất áp thuế giá trị gia tăng 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính đang nhận được nhiều quan tâm của người dân, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Tăng thuế không làm tăng giá phân bón

Tăng thuế giá trị gia tăng có làm tăng giá phân bón hay không - là câu hỏi được nhiều người dân quan tâm khi Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, dự kiến trình Quốc hội xem xét tới đây, mặt hàng này được đưa vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%, thay vì không chịu thuế như quy định hiện hành (Luật số 71/2014/QH13 ngày 26.11.2014).

Quy trình đóng gói sản phẩm phân bón trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: Vinachem.com.vn
Quy trình đóng gói sản phẩm phân bón trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: Vinachem.com.vn

Theo phân tích của các chuyên gia, giá bán phân bón trong nước ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Nếu Dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng được thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV được tổ chức vào tháng 10.2024, áp dụng từ năm 2025, dự báo thị trường phân bón sẽ bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón sẽ tăng lượng nhập khẩu nhằm tránh nộp thuế giá trị gia tăng. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng dự trữ phân bón tăng lên mức cao, khi phân bón được chuyển sang đối tượng chịu thuế từ ngày 1.1.2025 với mức thuế suất 5%, giá phân bón tại thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ không tăng lên tương ứng 5%, mà có thể phải điều chỉnh giảm do có lượng hàng tồn kho lớn đã tích trữ trước đó.

Các chuyên gia cũng nhận định, nếu được Quốc hội thông qua điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với phân bón từ diện không chịu thuế sang chịu thuế 5% không những giá phân bón không tăng, mà còn có tác động tích cực trên nhiều khía cạnh như: người nông dân mua được phân bón sản xuất trong nước với giá thấp hơn, bảo đảm nguồn cung luôn ổn định, tạo sự cạnh tranh bình đẳng hơn giữa phân bón nội và phân bón ngoại trên thị trường...

Bàn về vấn đề này tại Hội thảo “Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam” được tổ chức mới đây, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phan Đức Hiếu nhìn nhận: về mặt cảm quan, tăng thuế sẽ làm tăng giá sản phẩm, nhưng thực tế có thể không như vậy. Ví dụ, hiện nay doanh nghiệp không được khấu trừ thuế VAT đầu vào nên họ phải tính vào giá thành sản phẩm. Nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT, doanh nghiệp được khấu trừ và chi phí sản xuất giảm nên họ có dư địa lớn để cạnh tranh giảm giá”.

Nhà nước, người dân và doanh nghiệp đều hưởng lợi

Đánh giá về việc thay đổi chính sách thuế đối với phân bón, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho rằng: khi Luật thuế giá trị gia tăng được sửa, các doanh nghiệp phân bón trong nước sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường tốt hơn do chi phí giá thành phân bón trong nước giảm, từ đó tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, người nông dân sẽ được hưởng lợi lâu dài, yên tâm sản xuất. Về phía Nhà nước, nếu áp dụng thuế giá trị gia tăng với phân bón thì phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế, theo đó ngân sách Nhà nước sẽ thu được toàn bộ khoản thu này.

Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu cũng nhận định: sự điều chỉnh này hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp để mọi người trong ngành đều được hưởng lợi tốt nhất, chứ không đơn thuần là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hay tăng giá, giảm giá.

Đại diện một số công ty sản xuất phân bón cũng khẳng định: khi áp dụng thuế giá trị gia tăng sẽ làm cho hiệu quả của doanh nghiệp trong nước được nâng cao do tăng cơ hội cạnh tranh với hàng nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước và sẽ đóng góp cho ngân sách Nhà nước từ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy, phát triển sản xuất trong nước cũng sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tiếp tục tăng cường đồng hành cùng với người nông dân phát triển sản xuất.

Hàng năm, các công ty sản xuất phân bón trong nước đã tổ chức hơn 3.000 hội thảo, hội nghị tập huấn, giới thiệu, tuyên truyền về sản phẩm, hướng dẫn sử dụng phân bón cho bà con nông dân; cấp phân bón cho gần 100 mô hình trình diễn cho các loại cây trồng và phối hợp với Trung tâm khuyến nông Quốc gia, Trung tâm khuyến nông các tỉnh, các viện nghiên cứu... để hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón thông minh và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón.

Các đơn vị cũng thực hiện rất nhiều chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tư vấn khoa học công nghệ sử dụng phân bón thông minh; tư vấn, phổ biến quy trình sản xuất tiên tiến thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giúp bà con nông dân nâng cao trình độ sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao... Đáng chú ý, một số đơn vị có chủ trương bán sản phẩm phân bón chậm trả theo phương thức tín chấp cho người nông dân trên địa bàn các tỉnh thông qua hệ thống các nhà phân phối như Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao; Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền...

Ngọc Châm - An Nhiên
#