Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành bước đến tương lai tươi sáng

- Thứ Sáu, 08/12/2023, 16:23 - Chia sẻ

Ở Việt Nam, tình hình phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại và mua bán có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi cần tiếp thêm năng lượng, bảo đảm quyền lợi của những người yếu thế vì sự phát triển bền vững.

Xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới

"Bạo lực với phụ nữ và trẻ em cản trợ việc thực thi quyền con người và làm xói mòn những thành tựu về phát triển bền vững" - Quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Caroline Nyamayemombe nhấn mạnh tại sự kiện Bữa sáng Ruy băng trắng lần thứ 9 ngày 8.12, với chủ đề "Nhạy cảm giới trong điều tra, giải quyết các vụ án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái". 

Với hình thức vừa ăn sáng, vừa luận bàn, các đại biểu đã cùng chia sẻ, thảo luận những thông tin liên quan đến vấn đề nhạy cảm giới, yêu cầu thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ, trẻ em gái.

Bà Caroline Nyamayemombe cho biết, một nghiên cứu do UN Women và Bộ Tư pháp tiến hành năm 2017 đã chỉ ra một loạt nguyên nhân khiến cho nạn nhân không tố cáo sự việc cho công an và không tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý. Trong đó có những rào cản giữa các cơ quan tư pháp hình sự đối với nạn nhân như không bảo đảm sự riêng tư, những lo ngại về an toàn cho bản thân và gia đình, thủ tục phức tạp…

Đi về phía bình yên -0
Tọa đàm với chủ đề "Nhạy cảm giới trong điều tra, giải quyết các vụ án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái"

Thực tế ở Việt Nam, tình hình phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người đang có chiều hướng gia tăng. Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực về thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Tỉ lệ bạo lực trong 12 tháng qua là gần 32%. 

Còn theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vào tháng 8.2021, tình hình xâm hại trẻ em tăng cả về số vụ, số đối tượng, số trẻ em bị xâm hại, lần lượt là 26,8%, 12,5%, 25,7% (số liệu từ tháng 6.2020 - 6.2021 so với cùng kỳ năm 2019 - 2020). Số nạn nhân bị mua bán người trong 3 năm từ 2015 - 2018 tăng 7% so với giai đoạn 2011 - 2015.

Đi về phía bình yên -0
Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp xã hội - Ngôi nhà Bình yên Dương Thị Ngọc Linh nhận định, nạn nhân bị bạo lực, xâm hại và mua bán cần nhận được sự đồng hành, hỗ trợ để bước qua đoạn đời tăm tối, bước đến tương lai tươi sáng hơn

Tuy nhiên, có thực tế đáng buồn là những đối tượng yếu thế này thường rất ít lên tiếng hoặc không dám lên tiếng vì sự mặc cảm cùng rào cản đến từ nhiều phía xã hội.

Bà Nguyễn Nguyệt Minh, phụ trách Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Việt Nam phân tích một trong những lý do khiến nạn nhân bỏ cuộc là bởi khi họ đến cơ quan công quyền không tìm thấy sự bảo vệ, trong khi lại gặp phải sự phán xét.

"Cán bộ chiến sĩ công an hay điều tra viên thường là những người đầu tiên tiếp nhận và xử lý các vụ bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Yêu cầu đặt ra là phải tiến hành  giải quyết các vụ việc có liên quan một cách nhanh chóng, đúng quy định, bảo vệ tốt nhất phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, họ cũng cần có nhận thức về giới, nhạy cảm giới và trách nhiệm giới để từ đó góp phần xóa bỏ các định kiến giới vốn tác động tiêu cực tới phụ nữ và trẻ em”, bà Nguyễn Nguyệt Minh nói. 

Đồng hành và hỗ trợ

Những con số thống kê, những kết quả điều tra được đưa ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thực tế, những mảnh đời cơ cực và bi thương vẫn dò dẫm trong bóng tối bao phủ bởi hành vi bạo lực. 

Đi về phía bình yên -0
Các đại biểu thể hiện cam kết thực hiện nhạy cảm giới trong điều tra, giải quyết các vụ án bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Gần 17 năm qua, Ngôi nhà Bình yên trở thành địa chỉ "tạm lánh" cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực. Ngôi nhà Bình yên được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD), thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, vận hành từ năm 2007, với mục đích cung cấp gói hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người.

Ngôi nhà Bình yên hỗ trợ toàn diện các nạn nhân trong thời gian 3 - 6 tháng (hoặc gia hạn tùy trường hợp) để giúp ổn định đời sống - tinh thần, giải quyết những khó khăn và xử lý các mối đe dọa đến sự an toàn của họ. Sau khi hồi gia, Ngôi nhà Bình yên tiếp tục hỗ trợ về pháp lý, hướng nghiệp, tìm việc làm... giúp họ có sinh kế bền vững.

Đến nay, Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận và hỗ trợ 1.665 phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới. Cuốn sách Ngôi nhà Bình yên - tự truyện của nạn nhân bị mua bán trở về xuất bản năm 2013 đã kể một phần câu chuyện của những mảnh đời ấy. 

Ngày 8.12, Ngôi nhà Bình yên chuyển mình từ một cơ sở tạm lánh thành Trung tâm trợ giúp xã hội. Dịp này, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển và UN Women ra mắt cuốn sách Đi về phía bình yên - câu chuyện của chị em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người, chia sẻ tiếng nói về hành trình bước khỏi bóng tối khổ đau để đến vùng sáng bình yên và an lành. 

Đi về phía bình yên -0
Giao lưu, chia sẻ về cuốn sách "Đi về phía bình yên - câu chuyện của chị em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người"

Đó là những câu chuyện, chia sẻ về một quãng đời đau khổ, về tình cảnh trở thành nạn nhân của bạo lực, xâm hại, mua bán người... nhưng rồi dưới mái nhà chung, dưới cánh tay nâng đỡ của cộng đồng, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước hay các tổ chức quốc tế, tổ chức thiện nguyện, họ được bảo vệ, tin vào sự sống, vào điều tốt đẹp cho tương lai phía trước. 

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp xã hội - Ngôi nhà Bình yên nhận định, đó là minh chứng sống động và chân thật nhất cho những đóng góp của Ngôi nhà Bình yên trong suốt những năm tháng qua.

Từ đây, Ngôi nhà Bình yên sẽ được tạo điều kiện thuận lợi và cơ sở pháp lý tăng cường kết nối, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp cho những nạn nhân bị bạo lực, xâm hại và mua bán nhận được sự đồng hành, hỗ trợ để bước đến tương lai tươi sáng hơn. 

Thái Minh
#