Hà Nội ưu tiên phát triển hệ thống trường nghề chất lượng cao

- Thứ Ba, 12/03/2024, 16:03 - Chia sẻ

Theo Kế hoạch số 73/KH-UBND vừa ban hành về triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024, việc phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, hiện đại, gắn với yêu cầu của doanh nghiệp sẽ được thành phố đặt lên hàng đầu.

Cụ thể, UBND thành phố đặt mục tiêu, trong năm nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ thực hiện đào tạo cho 235.000 lượt người. Trong đó, trình độ cao đẳng 26.000 người, trung cấp 30.000, sơ cấp và dưới 3 tháng 179.000 người. Phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào đạt 74,2%; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 54%.

Phát triển hệ thống trường nghề chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu -0
Hà Nội đẩy mạnh công tác phân luồng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và phổ thông tham gia học nghề. Ảnh: Molisa.gov

Kế hoạch nhằm thu hút sự tham gia của học sinh, phụ huynh học sinh, doanh nghiệp và người lao động trong việc thực hiện chính sách đào tạo nghề, góp phần tích cực nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp, tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh THCS, THPT và giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trong thời kỳ hội nhập và ứng dụng khoa học công nghệ trong thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, thành phố đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện. Cụ thể, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo nhu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp. Tập trung đào tạo đối với những ngành, nghề mà xã hội và thị trường có nhu cầu cao, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và từng địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm bền vững cho người lao động. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật chuyên môn, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm cho lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.

Qua đó, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả lao động, ổn định vị trí việc làm và tăng thu nhập sau đào tạo của lao động. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Thành phố cũng sẽ triển khai kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp trên địa bàn, đảm bảo đúng đối tượng, chất lượng và hiệu quả đào tạo, gắn đào tạo với giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động. Rà soát danh mục các ngành, nghề đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh, bổ sung và thay thế danh mục các ngành nghề đào tạo, phù hợp với xu hướng của thị trường lao động, nhu cầu thực tế và đặc thù phát triển của thành phố.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ đào tạo đối với các nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.

Công tác xây dựng, đổi mới chương trình, giáo trình và phương thức đào tạo sẽ tiếp tục được chỉnh sửa và cập nhật, trọng tâm là các ngành nghề khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Trong đó, ưu tiên các ngành công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao và chuyển đổi số. Thành phố cũng tập trung đầu tư trường chất lượng cao, nghề trọng điểm đối với các trường đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt, lựa chọn.

Cụ thể, thực hiện đầu tư 4 trường cao đẳng công lập thuộc thành phố trở thành trường chất lượng cao gồm: Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP. Hà Nội; Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội.

Đặc biệt, đầu tư trang thiết bị đào tạo các ngành, nghề trọng điểm theo các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia đối với 16 trường đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt, lựa chọn.

Thành phố tiếp tục triển khai công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề. Để thu hút học sinh vào học nghề, thành phố sẽ xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ học phí đối với học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn.

Thành phố cũng tiếp tục tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2024, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận học sinh tại các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Thông qua đó, giới thiệu, tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy công tác phân luồng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và phổ thông tham gia học nghề.

Tùng Dương
#