Gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội vẫn "mắc kẹt"

- Thứ Năm, 22/02/2024, 15:15 - Chia sẻ

Đến nay mới có 6 dự án nhà ở xã hội được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng. "Cần rà soát lại việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng để có giải pháp tháo gỡ", Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nói.

Gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội vẫn
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu tại hội nghị.

Ngày 22.2, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" (sau đây gọi là Đề án).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, với chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, sự vào cuộc chủ động, trách nhiệm của các bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương, kết quả thực hiện Đề án 1 triệu nhà ở xã hội đến nay đã đạt được những dấu mốc quan trọng.

Về xây dựng chính sách, trong năm 2023, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan với nhiều nội dung mới, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; đặc biệt là tháo gỡ tồn tại, vướng mắc để thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

"Các chính sách mới này, cùng với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và các Chương trình hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo nhà ở cho các đối tượng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ chắc chắn sẽ tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ hơn, bảo đảm hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.

Về thực tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, chỉ riêng trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ.

Trong đó, 71 dự án đã hoàn thành với quy mô gần 40.0000 căn; 127 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 108.000 căn; 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 265.500 căn.

"Chúng ta đều mong muốn, kỳ vọng vào một kết quả tích cực trong việc triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội” trong thời gian tới, nhất là qua những dấu mốc đạt được vừa qua. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai Đề án vẫn còn rất nhiều khó khăn, tồn tại những hạn chế, vướng mắc cần phải tập trung và quyết liệt giải quyết trong thời gian tới", Bộ trưởng nói. 

Gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội vẫn
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị.

Cụ thể là còn nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại Đề án, trong đó, có một số địa phương đến nay vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội được khởi công mới. 

Vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi…

Đặc biệt, việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Bộ trưởng Xây dựng cho biết, hiện nay đã có 28 tỉnh công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.

Theo phản ánh của doanh nghiệp tại hội nghị, vấn đề vốn cho các dự án nhà ở xã hội rất nan giải. Gói 120.000 tỷ đồng thực tế không đi vào cuộc sống.

"Cần rà soát lại việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc tiếp cận, giải ngân gói tín dụng này", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều hội nghị để thúc đẩy giải ngân gói tín dụng ưu đãi này.

Hiện có hai tiêu chí cho vay, thứ nhất là có ít dự án triển khai, thứ hai là về điều kiện tiếp cận tín dụng.

Theo báo cáo của các ngân hàng, có một số doanh nghiệp vướng nợ xấu, chính nợ xấu đã ảnh hưởng đến giải ngân. Và để tháo gỡ vấn đề này, Thủ tướng đã yêu cầu các ngân hàng xem xét đáo nợ cho các dự án.

Hà Lan
#