Đến với dân để tuyên truyền pháp luật

- Thứ Bảy, 04/05/2024, 07:09 - Chia sẻ

Xác định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho Nhân dân và ngư dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều giải pháp, đa dạng hình thức tuyên truyền, góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ là một tuyên truyền viên

Phát huy vai trò nòng cốt tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, các cơ quan, đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định đã triển khai đồng bộ Đề án 1371 và thực hiện hiệu quả kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Phối hợp PBGDPL Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, bảo đảm sát với tình hình thực tế của địa phương.

 Cán bộ Đồn Biên phòng Quất Lâm phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Duy Khiêm
Cán bộ Đồn Biên phòng Quất Lâm phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Duy Khiêm

Theo đó, định kỳ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp, bảo đảm đủ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng; chú trọng lựa chọn nội dung thiết thực, sát thực tế ở đơn vị và địa phương để tuyên truyền, phổ biến đến Nhân dân khu vực biên giới biển. Các đơn vị cũng thực hiện có hiệu quả Ngày Pháp luật, Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần; thực hiện mô hình "Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án pháp luật"; tăng cường hoạt động của tủ sách pháp luật...

Thực hiện phương châm "Mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng là một tuyên truyền viên pháp luật", Bộ đội Biên phòng tỉnh lấy tuyên truyền miệng là chính và thực hiện dưới nhiều mô hình như tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống truyền thanh của huyện và xã; phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân; duy trì và từng bước nâng cao chất lượng chuyên mục "Vì chủ quyền an ninh biên giới biển", trong đó đổi mới mục "Hỏi - Đáp pháp luật"; tuyên truyền trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh...

Với phương châm "3 bám, 4 cùng", Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng tham mưu cho địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về công tác biên phòng; các hiệp định, hiệp ước, quy chế biên giới, các công ước và luật quốc tế có liên quan đến biên giới, biển đảo; các văn bản pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo...

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức tuyên truyền sâu rộng Luật Biên phòng Việt Nam đến cán bộ, Nhân dân trên địa bàn biên giới biển của tỉnh. Nhờ đó, người dân đã cung cấp cho các đơn vị hàng trăm nguồn tin có giá trị, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Năm 2023, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương xây dựng 36 "Tổ tàu thuyền an toàn" với 557 phương tiện, trên 1.360 thành viên; 27 tổ tự quản bến bãi, với 695 thành viên tham gia. Đây là kênh thông tin quan trọng của ngư dân về các hoạt động vi phạm, nhất là hoạt động của các tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vào vùng biển nước ta, để kịp thời có biện pháp ngăn chặn.

Gần dân để hiểu Nhân dân

Cùng với kinh nghiệm bám sát địa bàn, tổ chức các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tế; Đồn Biên phòng Ngọc Lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương 3 xã Nghĩa Hải, Phúc Thắng, Nam Điền và thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng) triển khai có hiệu quả mô hình "Tiếng loa Biên phòng".

Đơn vị đã tổ chức 4 cụm loa tuyên truyền lưu động; vận động người có uy tín trong các khu dân cư, chức sắc tôn giáo tích cực tuyên truyền, PBGDPL cho Nhân dân tại các khu dân cư, bến, bãi neo đậu tàu, thuyền. Một số cụm loa cố định được đặt ngay trên tuyến đường đi làm về của bà con, ngư dân, giúp truyền đạt kịp thời chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. 

Đồn Biên phòng Ba Lạt phụ trách, quản lý địa bàn khu vực biên giới biển, gồm các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân (huyện Giao Thủy) với trên 12.700 hộ, gần 46.200 nhân khẩu, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy sản. Lợi dụng địa hình tại khu vực cửa sông, cửa biển; các khu vực nuôi trồng thủy sản rộng lớn tại ven biển…, hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn ma túy vẫn còn diễn ra.

Để đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân về thủ đoạn hoạt động của những đối tượng phạm tội để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa; tăng cường phối hợp với lực lượng công an xây dựng chuyên án, kế hoạch đấu tranh trấn áp, đẩy lùi các loại tội phạm. Trong năm 2023, Đồn Biên phòng Ba Lạt đã tổ chức 15 buổi tuyên truyền cho trên 500 lượt cán bộ, Nhân dân; vận động chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý tuyến biển với chiều dài 14km, những năm qua, công tác PBGDPL cho cán bộ và Nhân dân luôn được Đồn Biên phòng Quất Lâm triển khai nghiêm túc, từng bước nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, Nhân dân, góp phần xây dựng khu vực biên giới biển ổn định. Đối với những tàu, thuyền chưa chấp hành nghiêm quy định về đánh bắt thủy, hải sản; cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định tuyên truyền, vận động người dân chấm dứt tình trạng khai thác trái phép. Đơn vị cũng thường xuyên cử cán bộ đến tận nhà dân, in tờ rơi, tài liệu để tuyên truyền tại các thôn, xã. 

Với việc gần dân để hiểu Nhân dân; cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Nam Định thực sự là cầu nối đưa thông tin đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống người dân. Công tác PBGDPL đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững "thế trận lòng dân", an ninh tuyến biển của tỉnh.

Đỗ Quyên