Đề xuất giữ nguyên căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội

- Chủ Nhật, 30/04/2023, 15:51 - Chia sẻ

Mở rộng căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội có thể khiến tình trạng chậm đóng, trốn đóng trầm trọng hơn và gia tăng chi phí lao động của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đề xuất giữ nguyên quy định về căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội -0
Ảnh minh họa: ITN

Không giải quyết được tình trạng trốn đóng bảo hiểm

Theo Khoản 1 Điều 37 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), có 2 phương án xác định tiền lương làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Phương án 1 (giữ nguyên như quy định hiện hành) - “là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động”.

Phương án 2 - “là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động; không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động”.

So với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) vừa khảo sát nhanh cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề này. 

Theo các doanh nghiệp, nếu chọn phương án 1, doanh nghiệp và người lao động sẽ không phải chịu áp lực về chi phí “gia tăng đột biến”. Song, cơ quan quản lý nhà nước phải tìm được phương án, giải pháp nhằm giải quyết bài toán chậm đóng, trốn đóng, nợ BHXH của một số doanh nghiệp và người lao động như thời gian qua.

Với phương án 2, căn cứ tính đóng BHXH sẽ tăng lên, phát sinh hai vấn đề cần xem xét.

Một là, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 1 - 3 tháng, 440.800 người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động. Số lao động đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do công tác thanh kiểm tra chưa được thường xuyên, các chế tài xử lý chưa nghiêm, việc thu bảo hiểm chưa kịp thời, hiệu quả, ý thức chấp hành của một số người sử dụng lao động còn hạn chế… Cùng với đó là những khó khăn về dòng tiền cũng như việc thu hẹp sản xuất của nhiều doanh nghiệp do ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 và những tác động khó lường của bối cảnh kinh tế thế giới gây ra.

Các doanh nghiệp lo ngại, việc điều chỉnh căn cứ tính đóng BHXH như phương án 2 sẽ làm gia tăng chi phí của cả người sử dụng lao động và người lao động, song lại chưa thực sự giải quyết triệt để các nguyên nhân trực diện của tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.  Trong bối cảnh doanh nghiệp và người lao động đều đang hết sức khó khăn, quy định này có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp và người lao động càng tìm cách trốn đóng BHXH, khiến chính sách khó đạt được mục tiêu.

Thứ hai, năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực, chỉ cao hơn Lào, Myanmar và Campuchia. Lợi thế lao động giá rẻ đã giảm dần, thậm chí ở nhiều ngành không còn hiện hữu so với nhiều quốc gia trong khu vực do tốc độ tăng chi phí lao động nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động.

Theo Báo cáo của Tổng Cục thống kê, giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình hàng năm chỉ đạt 5,29% trong khi tốc độ tăng lương phân theo các khu vực hay ngành trong giai đoạn 2011 - 2020 đều trên 7%. Giai đoạn 2011 - 2020, mức lương cơ sở tăng gấp 3 lần; mức lương tối thiểu theo vùng tăng từ 3,27 (vùng I, II, III) lần đến 3,7 lần (vùng IV) trong khi năng suất lao động chỉ tăng hơn 2 lần. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải chịu chi phí đào tạo do trình độ lao động còn nhiều hạn chế.

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và ILO cho thấy, đến hết quý II.2021, lực lượng lao động của Việt Nam là khoảng 51,1 triệu người, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 26,1%. Trong bối cảnh đó, việc tăng căn cứ tính đóng BHXH sẽ tiếp tục làm tăng chi phí lao động, dẫn đến khoảng cách giữa tốc độ tăng chi phí lao động và năng suất lao động ngày càng bất hợp lý, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thu hút đầu tư và năng lực cạnh tranh của quốc gia cũng như của doanh nghiệp. Thậm chí, có thể gây “hiệu quả ngược” đối với các mục tiêu thu hút đầu tư FDI, đầu tư tư nhân đang được đẩy mạnh hiện nay.

Đáng chú ý, theo các doanh nghiệp, việc tăng căn cứ tính đóng BHXH được thực hiện trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp bởi hầu hết doanh nghiệp đều đang rất chật vật để phục hồi.

Nên giữ như cũ

Từ những phân tích trên, các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, căn cứ tính đóng BHXH là nội dung có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở bài toán an sinh cho xã hội, người lao động, mà còn là bài toán năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá điều kiện thực tiễn, có cân nhắc kinh nghiệm quốc tế, khu vực một cách toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay để lựa chọn phương án khả thi, hợp lý.

“Ban soạn thảo cần làm việc kỹ với các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, nên tập trung nhiều vào phân tích phương án đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành về căn cứ tính đóng BHXH (phương án 1 của dự thảo Luật), kết hợp với xác lập các biện pháp quản lý hiệu quả khác nhằm bảo đảm các mục tiêu toàn diện của chính sách BHXH cũng như chính sách phát triển kinh tế và doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp kiến nghị.

Các chuyên gia về lao động cho rằng, trong trường hợp giữ nguyên quy định hiện hành, ban soạn thảo nên cân nhắc để gia tăng các hình thức thanh kiểm tra, quản trị dựa trên dữ liệu, liên kết dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu thuế, BHXH; kết hợp chế tài nghiêm minh… sẽ vừa hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ BHXH vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động.

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, hiệp hội, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, thể hiện rõ ràng (một cách tối đa) các quy định liên quan tới các khoản phụ cấp, khoản bổ sung phải tính đóng BHXH để tránh tình trạng sau này Luật đi vào đời sống, cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động có những cách hiểu khác nhau, ảnh hưởng đến quá trình thực thi.

Minh Châu
#