Đề xuất cho lao động sản xuất trực tiếp nghỉ hưu sớm

- Thứ Sáu, 13/10/2023, 09:57 - Chia sẻ

Đây là đề nghị của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Hà Nội liên quan đến tuổi nghỉ hưu khi góp ý vào dự thảo L

uật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Theo quan điểm của LĐLĐ Hà Nội, đa phần công nhân trực tiếp thường khó làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, nhiều người lao động gặp khó khăn khi phải làm việc với cường độ lớn, cần độ chính xác cao trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp. Quy định tuổi nghỉ hưu nên linh hoạt theo nhóm ngành nghề.

Thống kê của LĐLĐ TP. Hà Nội, 9 tháng năm 2023 có 7.560 lao động bị chấm dứt hợp đồng, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Ngoài những doanh nghiệp khó khăn đơn hàng thực sự, theo nhận định của đại diện LĐLĐ TP. Hà Nội, không loại trừ một số nhà máy dựa vào lý do này cắt giảm lao động trên 35 tuổi để tuyển công nhân trẻ hơn vào dây chuyền.

Bên cạnh đó, LĐLĐ TP. Hà Nội cho rằng, tuổi nghỉ hưu tăng cũng phần nào ảnh hưởng đến quyết định rút BHXH 1 lần. Người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa đủ tuổi nghỉ hưu, nếu không có việc làm và không tham gia tiếp BHXH thường lựa chọn rút BHXH 1 lần.

Đề xuất cho lao động sản xuất trực tiếp nghỉ hưu sớm -0
Nhiều công nhân lao động trực tiếp có nhu cầu nghỉ hưu trước quy định. Nguồn: ITN

Theo ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (LĐLĐ TP. Hà Nội), qua ghi nhận ý kiến của người lao động liên quan đến góp ý dự thảo luật BHXH sửa đổi, nhiều công nhân lao động sản xuất trực tiếp ở các doanh nghiệp mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu so với quy định hiện hành là 60 tuổi đối với lao động nữ và 62 tuổi đối với lao động nam.

Ông Dưỡng chia sẻ: "Qua thực tiễn từ cơ sở, đa phần công nhân trực tiếp thường khó làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, thậm chí chỉ cần đến độ tuổi 45, nhiều người lao động gặp khó khăn khi phải làm việc với cường độ lớn, cần độ chính xác cao trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp. Sức khỏe, độ nhanh nhẹn của người lao động đều giảm, rất khó để đáp ứng yêu cầu".

Không chỉ người lao động, theo đại diện LĐLĐ TP. Hà Nội, một số doanh nghiệp cũng mong muốn người lao động được nghỉ hưu sớm, bởi những lao động lớn tuổi khi làm việc trong các dây chuyền có thể không theo kịp tiến độ, năng suất không được đáp ứng. Trong khi đó, thu nhập, tiền lương của các lao động này thường cao hơn nhóm lao động trẻ.

"Đã có trường hợp doanh nghiệp muốn sa thải những lao động trên 35 tuổi để tuyển dụng những lao động trẻ vào dây chuyền sản xuất. Nhiều người không đáp ứng được cường độ lao động đã bị thải loại sớm và không thể chờ tới tuổi để được hưởng lương hưu", ông Dưỡng nói.

"Quy định tuổi nghỉ hưu nên linh hoạt theo nhóm ngành nghề, nên phân loại nhóm lao động trực tiếp và một số khu vực sản xuất được nghỉ hưu sớm. Ngoài ra, nên xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại để họ được hưởng chính sách nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định hiện hành", ông Tạ Văn Dưỡng đề nghị.

Trước đó, trong tháng 8 và tháng 9, cử tri 13 tỉnh cũng đã gửi kiến nghị đến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét giảm tuổi nghỉ hưu xuống 55 đối với nữ và 60 đối với nam cho các công nhân lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp, làm các công việc nặng nhọc, độc hại.

Trả lời kiến nghị của các cử tri, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng bộ luật Lao động năm 2019, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận, đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan.­­­

Tùng Dương
#