Đào tạo nghề để người khuyết tật tự tin chuyển đổi số

- Thứ Bảy, 02/12/2023, 07:24 - Chia sẻ

Hiện nay, lĩnh vực sản xuất thông minh ngày càng phát triển kết hợp với các công nghệ tiên tiến như lập trình và vận hành CNC/CAD/CAM bậc cao, công nghệ bản sao số, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot, thiết kế đồ họa… Người khuyết tật hoàn toàn có cơ hội tiếp cận và làm việc trong lĩnh vực này. Nhiều chuyên gia cho rằng, giải quyết việc làm cho người khuyết tật không phải là giúp đỡ, làm từ thiện mà là đáp ứng nhu cầu chính đáng được làm việc và được ghi nhận về khả năng làm việc.

Tự tin hòa nhập nhờ kỹ năng nghề

Lớp thiết kế đồ họa và dán nhãn dữ liệu dành cho thanh niên là người khuyết tật được trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và Tổ chức Angel's Haven (Hàn Quốc) tổ chức đến khóa thứ 3. Các học viên đều là người khuyết tật và đều có khát vọng được trang bị kỹ năng nghề, từ đó hòa nhập thị trường lao động.

Anh Lê Tùng Lâm, 26 tuổi (Sóc Sơn, Hà Nội), bị tai nạn xe năm lớp 11, khiến việc đi lại của Lâm gặp nhiều khó khăn. Anh theo học tại lớp đào tạo nghề dành cho thanh niên khuyết tật sau khi trải qua nhiều khó khăn trong việc làm, nghề nghiệp. Trước đó, anh Lâm từng trải qua nhiều công việc như telesale, marketing, bảo vệ... nhưng vì là người khuyết tật nên việc hòa nhập gặp không ít khó khăn. "Ngay cả công việc bảo vệ thôi em cũng phải xin đến 5 - 6 nơi họ mới nhận" - Tùng Lâm cho biết.

Sau những khó khăn về công việc, anh Tùng Lâm tìm thấy cơ hội cho mình khi trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tuyển sinh, đào tạo nghề cho các thanh niên khuyết tật. Điều may mắn hơn cho Tùng Lâm đó là chương trình đào tạo ngắn hạn ngành thiết kế đồ họa hoàn toàn miễn phí. Sau khóa học, em đã được nhận việc tại một công ty sản xuất bao bì với mức lương 9 triệu đồng và hưởng các chế độ như những đồng nghiệp khác.

Hay như anh Dương Đình Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ quảng cáo B-ONE (tỉnh Đắk Lắk) cũng là một tấm gương sáng về người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống. Bản thân bị khuyết tật vận động; dù vậy, Bảo đã nỗ lực vươn lên, mở công ty truyền thông, quảng cáo, dạy thiết kế đồ họa online miễn phí bằng kênh Youtube B-One Multimedia. Chàng trai trẻ đã hỗ trợ cho thanh niên khó khăn vùng dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk có việc làm ổn định.

"Công ty của Bảo hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương và tặng nhiều suất quà tới trẻ em, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới" - Bảo nói. "Hiện nay, kênh Tiktok của công ty có hàng chục nghìn người theo dõi. Nay, công ty có 15 máy đào tạo online và offline. Tôi rất muốn kết nối và nhân rộng mô hình ra các tỉnh, thành khác, để tạo nghề cho người khuyết tật, cũng như những người yêu thích đồ họa" - Dương Đình Bảo nói thêm.

Bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người khuyết tật, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, công nghệ hiện đại ngày nay đang dần thay thế sức lao động của con người. Con người sẽ đóng vai trò kiểm soát và điều hành nhiều hơn so với trước kia. Nhờ những công nghệ hiện đại mà khoảng cách định kiến của xã hội với người khuyết tật đang ngày càng thu hẹp lại thông qua việc cung cấp các công cụ giao tiếp tiện lợi, sử dụng trí tuệ nhiều hơn. Đặc biệt, cơ hội khởi nghiệp cho người khuyết tật cũng rất nhiều, nhất là trong thời đại việc khởi nghiệp và người khuyết tật đều được tạo điều kiện phát triển như hiện nay.

,Đào tao nghề để người khuyết tật tự tin chuyển đổi số
Lớp dạy nghề Thiết kế đồ họa/Dãn nhãn dữ liệu tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Nguồn: Cao đẳng công nghệ Hà Nội

Tôn trọng và hiểu đúng nhu cầu làm việc

Từ phía nhà đào tạo, TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, mấu chốt quan trọng trong đào tạo nghề cho người khuyết tật là phải giải quyết được việc làm. Chỉ khi giải quyết được việc làm thì việc đào tạo nghề cho người khuyết tật mới ý nghĩa. Chính vì vậy, khi triển khai chương trình dạy nghề cho thanh thiếu niên khuyết tật, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người học.

"Sau khi hoàn thành khóa thứ 3 đào tạo nghề cho thanh niên khuyết tật, Trường sẽ có những đánh giá, tổng kết, phân tích dữ liệu để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó hướng đến mục tiêu thành lập trung tâm dạy nghề dành cho người khuyết tật tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội" - ông Khánh nói.

Cũng theo TS. Phạm Xuân Khánh, việc thành lập Trung tâm đào tạo nghề cho người khuyết tật tại Trường là một nhiệm vụ khó và nhiều thách thức khi Trường phải chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình, đội ngũ giáo viên, chuyên gia, cơ sở vật chất, cải tạo phòng học, khuôn viên phù hợp cho người khuyết tật... nhưng đây là việc cần phải làm để góp phần giúp người khuyết tật có kỹ năng nghề từ đó có việc làm, giảm sự phụ thuộc vào gia đình, xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP. Hồ Chí Minh, để có được những mô hình và giải pháp tốt thì điều đầu tiên cần đẩy mạnh là truyền thông nâng cao nhận thức, quan niệm trong xã hội về người khuyết tật.

Cụ thể, xuất phát từ quan điểm người khuyết tật không chỉ là đối tượng cần được ưu tiên, mà họ còn cần được nhìn nhận là lực lượng lao động tiềm năng, có vai trò tích cực với xã hội. Vì vậy, giải quyết việc làm cho người khuyết tật không phải là giúp đỡ, làm từ thiện... mà là đáp ứng nhu cầu chính đáng được làm việc và được ghi nhận của họ về khả năng làm việc cũng như tạo cơ hội để người khuyết tật được có việc làm.

"Khi người khuyết tật được học nghề và làm việc phù hợp với khả năng, họ sẽ có thêm tự tin để cống hiến, tự tạo ra thu nhập, sống hòa nhập hơn với cộng đồng, xã hội. Nhiều người khuyết tật khởi nghiệp thành công, trở thành chủ doanh nghiệp, sau đó quay lại giúp những người đồng cảnh ngộ với mình" - bà Ngọc nói.

Dương Lê