Đà Nẵng phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới

- Thứ Tư, 20/03/2024, 19:41 - Chia sẻ

Theo chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, TP. Đà Nẵng sẽ​​​​​​ đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo ý kiến của các chuyên gia, để phát triển du lịch, lực lượng lao động trong ngành này còn thiếu cả chất và lượng, TP. Đà Nẵng cần có sự bổ sung và chuẩn bị sẵn sàng cho vấn đề này.

Tập trung phát triển du lịch

Trọng điểm của năm nay đến năm 2025, thành phố hoàn thành quy hoạch du lịch vùng rừng núi và quy hoạch vùng vui chơi giải trí dưới nước khu vực huyện Hòa Vang để kêu gọi đầu tư phát triển, cung cấp sản phẩm du lịch trải nghiệm sinh thái tự nhiên…

Trong đó, tăng cường phát huy lợi thế sinh thái tự nhiên, môi trường cảnh quan, giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề của khu vực nông thôn Hòa Vang, từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp thành kinh tế nông nghiệp trên cơ sở tích hợp đa ngành.

UBND TP Đà Nẵng cho biết, chương trình sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân, sự tham gia tích cực từ cộng đồng địa phương vào đầu tư phát triển du lịch nông thôn để phát triển đa dạng sản phẩm hàng hóa, sản phẩm dịch vụ du lịch.

Qua đó, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Đà Nẵng phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới  -0
Thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn gắn liền với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP địa phương. Ảnh: ITN

Cùng với đó, phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao của Hòa Vang đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn gắn liền với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP địa phương.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành quy hoạch du lịch vùng rừng núi và quy hoạch vùng vui chơi giải trí dưới nước khu vực huyện Hòa Vang để kêu gọi đầu tư phát triển, cung cấp sản phẩm du lịch trải nghiệm sinh thái tự nhiên.

Phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu hình thành 2 sản phẩm OCOP du lịch 3 sao trở lên, 2 hợp tác xã du lịch cộng đồng; 100% cơ sở du lịch được đào tạo các kỹ năng cần thiết để phục vụ du lịch…

Thành phố cũng phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá và ứng dụng các dịch vụ điện tử trong hoạt động du lịch. Hình thành mạng lưới liên kết du lịch nông thôn đặc thù của huyện Hòa Vang; xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn tại huyện này…

Bổ sung nhân lực cho ngành du lịch

Thông tin từ Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện nay số lao động ngành du lịch trên địa bàn đã qua đào tạo với nhiều hình thức chiếm tỷ lệ 65%, tỷ lệ lao động có chứng chỉ về ngoại ngữ đạt 40%. Để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục các hoạt động kinh doanh và bảo đảm duy trì chất lượng dịch vụ, trong năm 2023 địa phương đã hỗ trợ tổ chức hơn 30 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho nguồn nhân lực phục vụ du lịch và tập trung vào các nội dung doanh nghiệp, người lao động như chuyển đổi số, tư duy dịch vụ, kỹ năng, thái độ phục vụ khách chuyên nghiệp, kiến thức nghiệp vụ.

Tại hội thảo Đào tạo cấp quản lý chính sách và chiến lược du lịch lần thứ 17 của tổ chức UNWTO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, hoạt động du lịch địa phương đã đạt được sự phục hồi mạnh mẽ và tích cực, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng theo dự báo thời gian tới ngành du lịch sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, trong đó có khó khăn lớn về phục hồi và phát triển nguồn nhân lực.

Vì vậy, ông Cường cho rằng cần có giải pháp phát triển nguồn nhân lực với khả năng thích ứng với chuyển đổi số cũng như có khả năng thích ứng cao và bền bỉ, sẵn sàng ứng phó trước khủng hoảng... Đặc biệt chú trọng vào giáo dục vì ngành du lịch tương lai.

“Thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ Tổ chức Du lịch Thế giới, các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức thêm nhiều sự kiện ý nghĩa giúp các điểm đến nâng cao năng lực phục vụ, đổi mới, sáng tạo, chuyên nghiệp để mang lại hiệu quả trong quản lý, kinh doanh, và phát triển du lịch. Đồng thời, thúc đẩy đầu tư xanh và đầu tư vào con người để phát triển bền vững”, ông Cường nói.

Vào cuối năm 2022, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tư tại một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, đến năm 2025, tổng số nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng của thành phố là 51.000 người và vào năm 2030 là 81.800 người với tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt trên 70%.

Dương Lê
#