Cần chính sách bảo vệ người lao động trước biến đổi khí hậu

- Thứ Năm, 09/05/2024, 08:53 - Chia sẻ

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa cảnh báo, hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần thêm các chính sách bảo vệ người lao động trước những tác động tiêu cực này.

Việt Nam và các quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng lớn

Dưới gầm cầu vượt đường Hoàng Quốc Việt - Bưởi (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mấy ngày nắng nóng dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 có thêm những bình nước mát từ thiện. Những người lao động tự do hay tài xế xe ôm công nghệ hay tập trung tại đây để tránh nắng.

Anh Lê Văn Năm (29 tuổi, quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cho biết: "Nghỉ lễ, tôi cũng không về quê vì vợ đang nằm điều trị tại Bệnh viện Giao thông Vận tải. Những ngày này, nhiều nhà cần dọn dẹp vườn tược, sửa sang nội thất nên chúng tôi có thêm việc để làm. Dù nắng nóng nhưng có thu nhập để chi trả viện phí cho vợ, tôi cũng không nề hà".

Cũng như vậy, nhiều ngày gần đây, chị Mai Thị Thanh (39 tuổi, quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa), tiểu thương bán hàng rong đều phải cố gắng làm việc ngoài trời, không có ngày nghỉ lễ. "Tôi tranh thủ những ngày này để gánh hàng đi các địa điểm du lịch, nhiều người dân qua lại, mong muốn kiếm thêm chút nào hay chút đó, chứ không dám nghỉ" - chị Thanh cho biết.

Thế nhưng, dưới ánh nắng gay gắt, hơi nóng bốc lên từ mặt đường bê tông khiến chị Thanh cảm thấy mệt mỏi, mất sức khi phải hoạt động liên tục thời gian dài. Mỗi buổi trưa, chị Thanh lại về nhà trọ gần chợ đầu mối Long Biên nghỉ ngơi, lấy sức rồi mới lại rong ruổi quẩy hàng khắp các phố cổ tới tận tối mịt mới về.

Theo Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), bà Chihoko Asada-Miyakawa, biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến an toàn và sức khỏe của người lao động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ những đợt nắng nóng khắc nghiệt đến chất lượng không khí tồi tệ, người lao động phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, thường xuyên phải tiếp tục làm việc mà không có sự bảo vệ hoặc biện pháp khắc phục phù hợp, ngay cả khi điều kiện nguy hiểm.

Cần chính sách bảo vệ người lao động trước biến đổi khí hậu -0
Nguồn: ITN

Căng thẳng nhiệt (heat stress) có lẽ là thách thức rõ ràng nhất khi nhiệt độ tăng cao. Những người lao động ngoài trời trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, đánh bắt thủy sản và vận tải đặc biệt dễ bị tổn thương, phải đối mặt với nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến nhiệt độ như say nắng.

Tuy nhiên, ngay cả người lao động trong nhà cũng có nguy cơ, đặc biệt là những người tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt, hoặc làm việc trong không gian với hệ thống thông gió kém. Nhà máy, khu chế biến thực phẩm, lò gạch, hoặc kho hàng đều có thể nguy hiểm cho người lao động như việc lao động dưới trời nắng nóng.

"Không phải tất cả người lao động đều bị ảnh hưởng như nhau. Những người dễ bị tổn thương, lao động phi chính thức, người lao động di cư và những người với hoàn cảnh thiệt thòi là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất", bà Chihoko Asada-Miyakawa nói.

Bảo đảm nhất quán về thực thi chính sách

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, biến đổi khí hậu đang tạo ra "những mối nguy hiểm đáng kể về sức khỏe cho người lao động" như ung thư, bệnh hô hấp, rối loạn chức năng thận và các tình trạng sức khỏe tâm thần. Theo đó, đã có hàng nghìn ca tử vong liên quan đến nhiệt độ quá cao, bức xạ tia cực tím mặt trời, ô nhiễm không khí…

Theo Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của ILO, năm 2022, Hội nghị Lao động Quốc tế đã nhất trí đưa "môi trường làm việc an toàn và lành mạnh" vào khuôn khổ các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc của ILO.

Điều này có những tác động sâu sắc đến chính sách và thực tiễn. Hiện nay, có nhiều Chính phủ phải ban hành và thực thi luật pháp yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và sức khỏe lao động, thời gian nghỉ ngơi hợp lý và tiếp cận với trang bị bảo hộ cá nhân, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp nguy hiểm cao.

Đáng chú ý, mặc dù một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã ban hành luật và hướng dẫn để giải quyết vấn đề nhiệt độ nóng quá mức tại nơi làm việc, nhưng việc bảo vệ người lao động khỏi các tác động khác của biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều hạn chế. 

Ngoài ra, đối thoại xã hội giữa Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cũng như các nhà nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực này là điều cần thiết để xây dựng các chính sách hiệu quả, thiết thực và linh hoạt ở cấp độ nơi làm việc. Đồng thời, sự phối hợp giữa các ban ngành của Chính phủ cùng với việc chuyển giao kiến thức và nâng cao năng lực là rất quan trọng để bảo đảm tính nhất quán và thực thi chính sách.

Chuyên gia ILO cũng khuyến nghị các sáng kiến về an toàn vệ sinh lao động cũng nên được tích hợp vào các chiến dịch y tế cộng đồng rộng lớn hơn. Cùng với đó, việc nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho người lao động và người sử dụng lao động sẽ giúp nuôi dưỡng văn hóa phòng ngừa và ứng phó. Các chương trình đào tạo về phòng ngừa và quản lý căng thẳng nhiệt, sức khỏe nghề nghiệp có thể giúp người lao động tự bảo vệ mình và đồng nghiệp khỏi rủi ro liên quan đến khí hậu. Các công đoàn có vai trò then chốt trong quá trình này.

Các chuyên gia cũng nêu cao vai trò của công đoàn và ngành lao động, bằng cách đấu tranh cho quyền lợi của người lao động và bảo đảm tiếng nói của họ được lắng nghe, họ có thể giúp thúc đẩy an toàn nơi làm việc và ủng hộ các chính sách công bằng, hợp lý nhằm thúc đẩy những thay đổi tích cực.

Dương Lê
#