Bài 1: Đô thị xanh - nhìn từ cây hoa sữa

- Chủ Nhật, 18/12/2022, 17:12 - Chia sẻ

Hoa sữa là nét đặc trưng riêng của mùa thu Hà Nội. Nhưng khi hương hoa sữa ... quá nồng nàn lại gây ảnh hưởng tới sức khoẻ và đời sống của người dân. 

Từ nhiều năm nay, các đô thị nói chung, Hà Nội nói riêng luôn quan tâm trồng, chăm sóc và phát triển hệ thống cây xanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, một số quận nội thành đang muốn dần loại bỏ cây hoa sữa khỏi các tuyến phố. Và rộng hơn, vấn đề được dư luận quan tâm là các chủng loại cây xanh nào được và nên trồng ở đô thị.

 "Khốn khổ" vì hoa sữa

Mới đây, cây hoa sữa ngào ngạt lại được nhắc đến... ở quận Đống Đa khi thời điểm chuyển thu sang đông, loài hoa đặc trưng của trời Thu Hà Nội ngào ngạt… quá, đến mức gây phiền nhiễu, mất ngủ bao người.

Theo ghi nhận của phóng viên, đường Nguyễn Chí Thanh (dài khoảng 1,7km) nhưng hoa sữa được trồng với mật độ dày đặc, đặc biệt từ đoạn ngã tư Huỳnh Thúc Kháng tới cầu vượt đường Láng. Và lẽ ra hoa sữa nên thoang thoảng, thì nay trở thành nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống các hộ dân xung quanh

Ông Hồ Văn Hà (63 tuổi, phường Láng Thượng, quận Đống Đa) bức xúc, trước cửa nhà ông là dãy hoa sữa trồng san sát nhau. “Vào mùa các cây nở đồng loạt, mùi hương tỏa ra nồng nặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của các hộ dân xung quanh. Gia đình tôi và hàng xóm luôn phải đóng kín cửa sổ, tránh tình trạng hương hoa bay vào nhà,” ông Hà phân trần.

Đồng tình với ý kiến trên, chị Nguyễn Thị Mai (45 tuổi) bán hàng chăn ga gối đệm trên đường Nguyễn Chí Thanh chia sẻ, vốn mắc bệnh đau đầu kinh niên nên chị khá nhạy cảm với mùi hương hoa sữa. Mỗi mùa hoa nở rộ, mùi hương đậm đặc gây nhức đầu khiến bệnh tình chị trở nặng hơn. Người ít ngửi thấy thì còn chấp nhận được, nhưng người tiếp xúc nhiều thì khó chịu lắm, chị Mai cho biết.

Còn nhớ năm 2019, gần 100 cây hoa sữa trên phố Trích Sài (quận Tây Hồ) phải di dời tới Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (Sóc Sơn) sau khi người dân nơi đây phản ánh liên tục đến chính quyền địa phương vì hương hoa sữa đậm đặc đến khó thở.

Đương nhiên  trong việc này, hoa sữa không có tội! Vấn đề ở đây chính là việc quy hoạch, trồng loại cây này như thế nào.

Giữ lại hay di dời?

Bên cạnh những lời phản ánh, cũng có nhiều người dân cho rằng việc di dời hết hàng hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh là không cần thiết. Sống ở tuyến phố này từ nhỏ, với anh Nguyễn Quốc Chính (43 tuổi, quận Đống Đa), hương hoa sữa đã trở nên gắn bó và thân thuộc. “Hoa sữa góp phần tạo nét riêng cho tuyến phố những lúc trời Hà Nội chuyển thu sang đông, thiếu đi sẽ rất phí, rất nhớ và trống vắng. Nếu cần chỉnh trang lại thì chỉ nên tỉa bớt, chứ không nhất thiết phải di dời cùng lúc số lượng lớn như vậy”- anh Chính cho biết. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) thì nhận định, không ai phủ nhận được vẻ đẹp của hoa sữa. Loài hoa này vừa toát lên sức sống mãnh liệt nhưng cũng rất đỗi dịu dàng, thanh nhã. Hoa sữa đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của nhiều thi sĩ, đi vào thơ ca như một biểu tượng tiêu biểu của mùa thu Hà Nội.

Nhưng nhìn nhận dưới góc độ khoa học, thực trạng trồng hoa sữa ở Việt Nam (nói chung) và Hà Nội (nói riêng) đã vượt quá tầm kiểm soát; trồng tràn lan mà không theo một trình tự hay quy củ nào. Hoa sữa được trồng nhiều bởi 2 lý do. Đầu tiên, đây là loại cây quen thuộc được một bộ phận đông đảo người dân ưa thích. Loài hoa này nếu ở mật độ vừa phải thì rất cuốn hút, dễ làm lay động lòng người. Thứ hai, hoa sữa có đặc tính sống và sinh trưởng với tốc độ cao, dễ dàng thích nghi với các môi trường sống xung quanh; có thể nhân giống bằng hạt hay sử dụng giâm cành, chiết cành.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cảnh báo, việc trồng với mật độ dày đặc đã dẫn đến hậu quả rất lớn. Thực trạng hoa sữa ở Việt Nam đang rất đáng báo động; là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người dân. Vậy nên, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan hữu quan cần nhanh chóng vào cuộc, xử lý triệt để tình trạng này.

“Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, là người đại diện, nói lên tiếng nói của nhân dân, tôi và các nhà quản lý phải nhìn nhận được trách nhiệm của mình. Không một ai được phép thờ ơ với sức khỏe và tính mạng của nhân dân” - đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh. 

Nhiều chuyên gia y tế cũng đã lên tiếng cảnh báo, nếu tiếp xúc với mùi hương hoa sữa trong thời gian dài sẽ khiến người có cơ địa yếu bị dị ứng. Bác sĩ Bệnh viện Medlatec Phạm Thị Kim Ngọc cho biết, hương hoa sữa tuy rất thơm nhưng ngửi nhiều sẽ lâm tình trạng khó thở, nhất là nhóm người có tiền sử mắc bệnh hô hấp. Ngoài ra, dị ứng mùi, phấn hoa, lông, bụi là một trong những dị tác nhân gây dị ứng hay gặp. Những đối tượng dễ bị dị ứng với phấn hoa sữa bao gồm người bị viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, bị bệnh hen suyễn. Do đó, bất kỳ loại hoa nào được trồng với mật độ dày đặc đều có thể gây ra tình trạng dị ứng phấn hoa cho người dân có cơ địa yếu sinh sống ở khu vực đó, đặc biệt là trẻ em và người già, người có tiền sử các bệnh lý về hô hấp. Nhiều trường hợp nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ và tử vong.

 

"Thấu hiểu nỗi khổ của bệnh nhân, tôi đồng tình với đề xuất di dời các cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh của UBND quận Đống Đa. Các bộ ban ngành cần nhanh chóng đưa ra chủ trương đúng đắn để chọn lựa loại cây thay thế và trồng với mật độ thích hợp",  BS Kim Ngọc nhấn mạnh.

Có thể thấy, biểu tượng gắn với bao câu chuyện, bao mối tình, bao niềm vấn vương hiện đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều khi có những tuyến phố trồng dày đặc, khiến nhiều người phải đóng cửa, đeo khẩu trang vì không thể chịu được mùi hoa sữa nồng nặc. Vậy nên, khi UBND quận Đống Đa đưa ra đề xuất di dời 80 cây hoa sữa trên phố Nguyễn Chí Thanh đã nhận được nhiều sự đồng thuận từ người dân. Ở một số khu vực, nhiều cây đã được chặt bỏ cả cây hoặc tỉa cành để phần nào đỡ mùi quá nồng nàn của hoa sữa.

Thế nhưng, liệu câu chuyện “trồng- nhổ, nhổ - trồng” một số loại cây ở các tuyến phố Hà Nội sẽ tiếp diễn đến bao giờ, và giải pháp nào để giải quyết dứt điểm được tình trạng này vẫn là các câu hỏi chưa có lời giải đáp và cần sự vào cuộc của các chuyên gia, kiến trúc sư trong lĩnh vực quy hoạch?

Trang Nhung - Lê Tùng - Quốc Việt
#