An Giang: Cụ ông mòn mỏi chờ nhận lại đất trồng lúa bị người khác bao chiếm suốt 27 năm

- Thứ Năm, 20/07/2023, 11:32 - Chia sẻ

Sau khi UBND huyện Tri Tôn giao đất, ông Tư và 3 hộ dân khác trồng lúa được đúng một vụ thì bị gia đình ông Danh bao chiếm. Suốt 27 năm khiếu nại, đến nay đã 90 tuổi nhưng ông Tư vẫn chưa nhận lại đất.

Bao chiếm đất của 4 hộ dân suốt 27 năm 

Cụ ông 90 tuổi mòn mỏi chờ nhận đất trồng lúa suốt 27 năm
Ông Nguyễn Văn Tư, ông Bùi Văn Thọ và anh Đặng Hùng Vương (con trai ông Đặng Văn Hoàng) mòn mỏi chờ nhận đất trồng lúa suốt 27 năm qua

Vụ việc nêu trên là của ông Nguyễn Văn Tư (90 tuổi), hộ ông Nguyễn Văn Ê (55 tuổi, cùng ngụ xã Núi Tô, huyện Tri Tôn), ông Bùi Văn Thọ (79 tuổi) và ông Đặng Văn Hoàng (50 tuổi, cùng ngụ thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn, hiện ông Hoàng đã qua đời).

Theo tài liệu, năm 1995, thực hiện chủ trương giao đất cho Nhà nước làm kênh thủy lợi, hộ ông Tư, ông Thọ, ông Hoàng và ông Ê giao đất.

Đến năm 1996, UBND huyện Tri Tôn ban hành quyết định số 509, cấp đất trồng lúa cho 50 hộ dân, trong đó, ông Tư được cấp 3,3ha, ông Thọ 3,3ha, ông Hoàng 4,2ha bà ông Ê 2,7ha. Khu đất tại kênh Tân Vọng II, ấp Tân Lợi, xã Tân Tuyến. Sau khi nhận đất, ông Tư và 3 hộ dân còn lại vào canh tác đúng một vụ lúa thì bị gia đình ông Nguyễn Văn Danh vào bao chiếm cho đến nay.

Ông Danh cho rằng, khu đất trên là do gia đình ông khai khẩn. Tuy nhiên, qua các quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện Tri Tôn đều bác đơn của ông Danh, nhưng địa phương cấp lại cho ông 3,5ha đất tại Mương 7, xã Tân Tuyến.

Mặc dù từ năm 1996 đến 1999, UBND huyện Tri Tôn nhiều lần ban hành các văn bản trả lời khiếu nại của ông Danh, tuy nhiên, ông và người thân vẫn bao chiếm diện tích đất của ông Tư, ông Thọ, ông Hoàng và ông Ê nên bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng.

Cụ ông 90 tuổi mòn mỏi chờ nhận đất trồng lúa suốt 27 năm
Đơn yêu cầu giải quyết vụ việc của ông Nguyễn Văn Tư và các hộ dân liên quan gửi đến UBND huyện Tri Tôn vào ngày 24.10.2022

Năm 2002, UBND tỉnh An Giang ban hành quyết định số 593 giải quyết vụ việc tranh chấp đất của ông Tư, ông Thọ, ông Hoàng, ông Ê với hộ ông Danh. Tại quyết định này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Phạm Kim Yên buộc ông Danh giao toàn bộ diện tích đất bao chiếm của 4 hộ dân. Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cũng khẳng định: "Đây là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng và có hiệu lực thi hành từ ngày ký".

Thế nhưng, ông Danh vẫn tiếp tục bao chiếm đất canh tác; buộc ông Tư, ông Thọ, ông Hoàng và ông Ê tiếp tục có đơn khiếu nại gửi đến các cấp chính quyền, yêu cầu xử lý hành vi bao chiếm đất của ông Danh.

Qua nhiều năm chờ đợi, năm 2008, ông Tư và 3 hộ dân còn lại lóe lên hy vọng sẽ lấy được đất khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng một lần nữa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại tranh chấp đất lần cuối cùng bằng Quyết định số 204.

Cụ ông 90 tuổi mòn mỏi chờ nhận đất trồng lúa suốt 27 năm
Ngày 18.12.2008, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng ban hành quyết định 204, giải quyết tranh chấp đất lần cuối cùng, buộc ông Nguyễn Văn Danh trả lại đất bao chiếm cho UBND huyện Tri Tôn

Trong Quyết định số 204, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng nêu rõ: "Khu đất tranh chấp thuộc đất hoang hóa do Nhà nước quản lý. Ông Danh cho rằng gia đình khai khẩn nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất, do đó, gia đình ông Danh yêu cầu được giữ đất canh tác là không có cơ sở".

Vì lẽ trên, UBND tỉnh An Giang yêu cầu ông Nguyễn Văn Danh và người thân giao lại phần đất lấn chiếm cho UBND huyện Tri Tôn để địa phương giao đất lại cho 4 hộ dân mất đất.

Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang giao cho UBND huyện Tri Tôn thực hiện Quyết định số 204 trong vòng 30 ngày; báo cáo kết quả thực hiện về Chủ tịch UBND tỉnh và Chánh Thanh tra tỉnh.

Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì, mãi đến hôm nay ông Tư và 3 hộ dân vẫn chưa nhận được đất canh tác.

Phớt lờ chỉ đạo của cấp trên?

Cụ ông 90 tuổi mòn mỏi chờ nhận đất trồng lúa suốt 27 năm
Ông Đặng Hùng Vương (áo xanh) và ông Bùi Văn Thọ khẳng định, cuối năm 2011, UBND xã Tân Tuyến có cưỡng chế phần đất ông Danh bao chiếm nhưng không thực hiện việc giao đất lại cho 4 hộ dân

Liên quan đến vụ việc này, ngày 14.7, PV Báo đại biểu Nhân dân có buổi làm việc với ông Phan Văn Nhi – Phó Chánh Thanh tra huyện Tri Tôn.

Theo ông Nhi, sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 204, lãnh đạo UBND huyện Tri Tôn giao ban ngành đoàn thể đến vận động ông Danh và người thân ông Danh (là những người bao chiếm đất ông Tư, ông Thọ, ông Hoàng và ông Ê), tự nguyện giao đất lấn chiếm nhưng các hộ dân này không đồng ý.

Mãi đến năm 2011, UBND huyện mới ban hành quyết định cưỡng chế, giao việc cưỡng chế cho Chủ tịch UBND xã Tân Tuyến. Đến cuối năm 2011, UBND xã Tân Tuyến thực hiện việc cưỡng chế xong, tổ chức cắm mốc, giao đất cho 4 hộ dân là ông Tư, ông Thọ, ông Hoàng và ông Ê.

Tuy nhiên, khi PV Báo Đại biểu Nhân dân tiếp xúc với các hộ dân đều khẳng định, địa phương có cưỡng chế nhưng không thực hiện việc giao đất. Khi lực lượng xã rời đi, gia đình ông Danh vào nhổ cọc, tiếp tục bao chiếm đất canh tác cho đến nay. Cụ thể, ông Tư bị chiếm 1ha, ông Thọ bị chiếm 3,3ha, ông Hoàng bị chiếm 1,2ha.

Lúc này, các hộ dân mất đất tiếp tục trình báo chính quyền địa phương, nhưng lãnh đạo chỉ thông báo ngắn gọn "đang làm".

Sự việc cứ thế trôi qua, hết năm này đến năm khác. Hiện ông Hoàng đã chết; ông Tư 90 tuổi, sức khỏe kém chỉ ngồi một chỗ. Ông Ê do chờ đợi quá lâu đành bỏ cuộc.

Để làm rõ nội dung này, PV Báo Đại biểu Nhân dân yêu cầu UBND huyện Tri Tôn cung cấp biên bản cưỡng chế, biên bản giao đất cho 4 hộ dân thì Phó Chanh Thanh tra huyện Tri Tôn Phan Văn Nhi cho biết, đã kiểm tra nhưng các biên bản cưỡng chế, biên bản giao đất cho 4 hộ dân không có (!?).

Cụ ông 90 tuổi mòn mỏi chờ nhận đất trồng lúa suốt 27 năm
Cụ ông Nguyễn Văn Tư năm nay đã 90 tuổi rất mong sớm nhận lại phần đất bị ông Danh bao chiếm suốt 27 năm qua

Về hướng giải quyết tiếp theo khi các hộ dân có đơn phản ánh chưa nhận được đất theo Quyết định 204, Phó Chanh Thanh tra huyện Tri Tôn Phan Văn Nhi cho biết, khi Thanh tra huyện nắm bắt được nguyện vọng của các hộ dân sẽ có báo cáo, tham mưu UBND huyện Tri Tôn tìm cách giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân.

Các hộ dân bị ông Danh bao chiếm đất trái pháp luật đều có hoàn cảnh khó khăn. Họ là những nông dân nên khi không có đất sản xuất, cuộc sống của họ càng khó khăn hơn, nhất là ông Nguyễn Văn Tư năm nay đã 90 tuổi, sống một mình trong căn nhà sắp sập. Ông mong nhận đất để cho con cái, an dưỡng tuổi già. 

*Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.

Nguyễn Hành
#