Xây dựng thói quen tiêu dùng thông minh

- Thứ Bảy, 13/04/2024, 09:33 - Chia sẻ

Những năm gần đây, nhận thức của người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội đã có sự thay đổi rõ rệt: thông minh trong tiêu dùng; xu hướng lựa chọn sử dụng hàng nội địa với chất lượng tốt, giá cả phù hợp; biết tìm kiếm sự đồng hành của cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố mua gian bán lận...

Thúc đẩy tiêu dùng an toàn

Ngày nay, tiêu dùng an toàn là xu thế tất yếu mà hầu hết người tiêu dùng nói chung, người tiên dùng Thủ đô Hà Nội hướng tới. Khi mua sắm, người tiêu dùng chọn những nơi uy tín thay vì chạy mua theo chương trình giảm giá, khuyến mại, họ luôn cân nhắc việc đổi trả hàng nếu xảy ra lỗi.

Bên cạnh đó, phương thức mua hàng của người tiêu dùng cũng ngày càng thay đổi, không ít người tiêu dùng đã chuyển sang mua hàng trực tuyến online; chị Kim Anh (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chia sẻ, cuộc sống ngàу càng bận rộn đã khiến thời giаn muа sắm trực tiếp tại các chợ truуền thống, cửа hàng, siêu thị hау trung tâm thương mại ngàу càng ít đi. Thay vào đó, việc mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn; nhiều người hình thành thói quen xem các shop bán hàng livestream trực tuyến mỗi ngày, bởi họ cho rằng việc mua hàng trực tuyến không mất thời gian, lại có nhiều cơ hội so sánh, mua được hàng với giá cả hợp lý.

Dù vậy, ở góc nhìn khác, nhiều người tiêu dùng lại cho rằng, việc mua sắm trực tiếp vẫn là lựa chọn an toàn hơn bởi, khi mua sắm trực tiếp, người tiêu dùng có thể lựa chọn được những sản phẩm còn chất lượng, hạn sử dụng dài hạn; đồng thời tránh được rủi ro mất tiền hoặc mua hàng không đúng như quảng cáo, không gửi sản phẩm, mất tiền oan…

Sở Công thương TP. Hà Nội kiểm tra hàng hóa tại hội chợ
Sở Công Thương TP. Hà Nội kiểm tra hàng hóa tại hội chợ

Chị Kim Anh bày tỏ, dù mua hàng trực tiếp hay online, lo ngại lớn nhất của người tiêu dùng là việc mua phải hàng giả, hàng nhái. Với cá nhân tôi, để an tâm mua được sản phẩm tốt, tôi bắt đầu chuyển hướng sử dụng hàng sản xuất trong nước, vì chất lượng hàng nội địa ngày càng tốt, giá cả phù hợp túi tiền người tiêu dùng.

Chị Hà My, nhân viên công ty Vianco cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, hợp túi tiền người tiêu dùng và có chế độ bảo hành tốt. Đơn cử như các sản phẩm bóng đèn led được sản xuất tại nhà máy tại Hoài Đức và Đan Phượng với công nghệ mới rất tốt, thời gian bảo hành các sản phẩm dài (24 tháng)... Trong khi đó, cùng chủng loại thì trên thị trường có vô vàn hàng trôi nổi, có thời gian bảo hành ngắn hoăc thậm chí không có bảo hành dù được dán nhãn là hàng ngoại, xuất xứ từ các nước.

Để bảo vệ người tiêu dùng, trong thời gian qua Sở Công Thương Hà Nội đã giải quyết kịp thời, thỏa đáng nhiều đơn kiến nghị phản ánh của người tiêu dùng; tiếp nhận và giải đáp gần 12.500 cuộc gọi qua tổng đài 024.1081

Thực tế thời gian gần đây tại Hà Nội, nhiều sự kiện bán hàng trực tiếp lẫn trực tuyến được tổ chức để thu hút người tiêu dùng. Đơn cử, sự kiện diễn ra vào ngày 28.3 tại Hà Nội, Câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ huyện Hoài Đức phối hợp cùng Thành đoàn Hà Nội tổ chức Ngày hội người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng được Ban Tổ chức mở livestream bán hàng với nhiều ưu đãi. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho rằng, đây là hoạt động có ý nghĩa đối với doanh nghiệp, đơn vị sản xuất có chất lượng có thể kết nối tận tay người tiêu dùng. Những hoạt động này đã và đang tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ đến văn hóa tiêu dùng của người dân thủ đô. "Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thực hiện chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đồng thời đẩy mạnh bán hàng điện tử, bán hàng online, qua đó tạo ra giá trị thương mại dịch vụ thúc đẩy sản xuất trong nước, đặc biệt là các sản phẩm địa phương.

Thông tin minh bạch

Thông tin minh bạch là đường đi bền vững của sản phẩm từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng; giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của các mặt hàng nhưng cũng chính là bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, gây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa…

Theo quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, nhiều sản phẩm thực phẩm trên thị trường hiện nay cũng bán tràn lan nhưng mập mờ về nhãn hàng hóa. Một số sản phẩm có dấu hiệu không rõ ràng, nhãn sản phẩm chỉ có tên và hạn sử dụng mà không có thông tin nào về đơn vị sản xuất, thành phần cấu tạo nên sản phẩm hiện trên thị trường rất nhiều.

Khi mua hàng hóa, người tiêu dùng sẽ để ý tới nhãn mác để lựa chọn sản phẩm theo mong muốn của mình. Là người tiêu dùng thông thái, chị Kim Anh cho biết, khi mua bất kỳ sản phẩm hàng hóa nào, chị đều để ý những sản phẩm có nhãn mác bắt mắt; tiếp đến là xem thông tin sản phẩm như xuất xứ và hạn sử dụng. Ngoài ra, việc lựa chọn các địa điểm bán hàng uy tín cũng luôn được chị lưu ý.

Giám đốc Công ty cổ phần Giang Sơn Nguyễn Thị Tâm cho rằng, việc minh bạch thông tin sản phẩm là điều hết sức cần. Bởi, hiện nay người tiêu dùng rất quan tâm đến thành phần sản phẩm, thông tin doanh nghiệp, quy trình sản xuất. Ngoài việc in đầy đủ thông tin từ thành phần sản xuất, địa chỉ, hạn sử dụng… trên nhãn mác các sản phẩm mà đơn vị cung cấp ra thị trường, còn có thêm tem truy xuất nguồn gốc, tem nhật ký điện tử và đặc biệt thêm tem vân tay, khách hàng sẽ quét thông tin và kiểm tra xem đúng thông tin của sản phẩm, đơn vị sản xuất, đơn vị cung cấp tem. Mỗi lô hàng vào thời điểm khác nhau sẽ cập nhật thông tin mới để tránh việc làm giả.

Do đó, để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự chuyển biến thực chất, vai trò then chốt nằm ở nhận thức của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và chính người tiêu dùng. Muốn vậy, các thông tin liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và giao dịch cần được doanh nghiệp cung cấp rõ ràng, chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng. Mặt khác, bản thân người tiêu dùng cần có trách nhiệm tìm hiểu, thu thập thông tin đầy đủ và chính xác liên quan đến hoạt động tiêu dùng của mình. Bởi, khi việc hiểu biết và được cung cấp thông tin đầy đủ sẽ giúp người tiêu dùng lựa chọn và tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ an toàn.

Bài và ảnh: Thanh Bình
#