Thừa Thiên Huế

Xây dựng đô thị di sản sinh thái, thân thiện với môi trường

- Thứ Tư, 28/06/2023, 10:59 - Chia sẻ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết, hiện nay với sự vào cuộc và tâm huyết rất lớn của lãnh đạo tỉnh, Thừa Thiên Huế đang triển khai rất nhiều hoạt động liên quan đến đô thị thông minh, công nghệ thông tin, định hướng xây dựng đô thị di sản sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và phát triển xanh.

Bảo đảm vấn đề môi trường bên cạnh thu hút đầu tư

Tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam vừa được tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết, hiện nay rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn triển khai thực hiện các dự án tại tỉnh bởi hạ tầng giao thông rất thuận tiện khi có trục quốc lộ, cao tốc, sân bay quốc tế, đường sắt, đặc biệt có cảng nước sâu. Tuy nhiên, khi thẩm tra dự án lại không ổn về vấn đề môi trường, do đó, lãnh đạo tỉnh kiên quyết từ chối vì lo ngại đi sai định hướng phát triển, đặc biệt từ khi có Nghị quyết 54 NQ/TW ngày 10.12.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều chính sách đặc thù.

Thừa Thiên Huế xác định việc áp dụng các giải pháp mô hình kinh tế xanh    Nguồn ITN
Thừa Thiên Huế áp dụng các giải pháp mô hình kinh tế xanh. Nguồn: ITN

Đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Huế là một tỉnh hội tụ sự cổ điển, hiện đại và khát khao áp dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin ở mức cao nhất. Huế cũng là một trong số ít những địa phương có thể nói “không” khi cần thiết khi các dự án chưa hẳn đảm bảo về môi trường, như Thủ tướng đã từng nói "không phát triển kinh tế bằng mọi giá".

Liên quan đến việc phát triển lĩnh vực nông nghiệp sạch, phát triển đô thị thông minh và bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã ban hành Kế hoạch 110/KH-UBND hành động thành phố xanh Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 từ năm 2015, trước khi ký Nghị quyết 54 ra đời. Kế hoạch này nêu rõ mục đích, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp để thực hiện kế hoạch thông qua 16 hành động cụ thể, nhằm hiện thực hóa tầm nhìn đưa Huế trở thành thành phố xanh trong khuôn khổ hợp tác giữa Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là trùng tu di tích kinh thành Huế.

Phát triển bền vững môi trường theo hướng tăng trưởng xanh 

Thực hiện kế hoạch số 110/KH-UBND, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 894/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế, với tổng mức đầu tư hiện khoảng 1.200 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh cũng cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông, từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị xanh, tạo động lực cho phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh doanh thương mại và khai thác tiềm năng du lịch, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao cảnh quan, môi trường đô thị, qua đó, nâng cao sức khỏe, chất lượng sống cho Nhân dân.

Về công tác chuyển đổi số, Thừa Thiên Huế tập trung xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, các hoạt động quản lý và điều hành địa phương phù hợp và thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Minh chứng là trong năm 2021, Thừa Thiên Huế đứng thứ 8/63 tỉnh thành về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đứng đầu cả nước về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và đứng thứ 4 cả nước về chỉ số cải cách hành chính và giữ ngôi vị thứ 2 về chuyển đổi số.

Đặc biệt, trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) Huế đã đoạt giải thưởng Sao Khuê, đây là giải thưởng uy tín nhất của ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam. Tỉnh cũng giành giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2022, đặc biệt được vinh danh ở hạng mục Chính phủ số của tổ chức công nghiệp điện toán khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về nông nghiệp công nghệ cao, trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo định hướng chung của tỉnh cũng như định hướng Trung ương gợi ý. Từ đó, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị tổn thương do thiên tai. Tại khu vực miền trung, Thừa Thiên Huế giống như một số địa phương khác bị tác động bởi thiên tai, biến đổi khí hậu rất rõ rệt, mưa nắng, bão lụt, bờ biển bị xâm thực... Vì vậy, nếu không chuyển đổi chắc chắn sẽ khó khăn, người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, Huế cũng được công nhận là thành phố festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố bền vững về môi trường ASEAN và đặc biệt là thành phố xanh quốc gia. Đây cũng là thành phố tiêu biểu của các đô thị trong cả nước hiện đang phát triển bền vững môi trường theo hướng tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Quý I.2023, Thừa Thiên Huế đã khởi công dự án trung tâm thương mại AEON MALL Huế có tổng vốn đầu tư 3.916 tỷ đồng, là trung tâm thương mại lớn nhất miền Trung, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2024. Trung tâm thương mại này đi vào hoạt động sẽ góp phần bổ sung các thiết chế dịch vụ thương mại, hạ tầng xã hội trong khu vực theo quy hoạch đã được duyệt, đánh dấu bước phát triển mới trong việc thu hút đầu tư đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Anh Lương