Thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại Thanh Hóa, Nghệ An

Tuyên truyền sâu rộng, đa dạng

- Thứ Năm, 04/08/2022, 05:52 - Chia sẻ

Nhờ công tác tuyên tuyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP một cách sâu rộng, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đến tận thôn, xóm, cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo đã nắm rõ và thực hiện đúng quy định pháp luật.

Báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cả Thanh Hóa và Nghệ An đều khẳng định, ngay khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, UBND tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng Phổ biến pháp luật phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đến toàn thể cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành; cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp.

Từ 1.1.2018 đến nay, Thanh Hóa đã tổ chức 16 hội nghị phổ biến Luật và Nghị định số 162 cho đối tượng là cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo cấp tỉnh, huyện và chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức an ninh, quốc phòng cho chức sắc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 1 đoàn đại biểu các tôn giáo tỉnh Thanh Hóa tham dự Hội nghị bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người đứng đầu một số tổ chức tôn giáo các tỉnh trên địa bàn Quân khu IV do Ban Thường trực Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức tại Hà Tĩnh.

Các huyện, xã đã tổ chức 27 hội nghị phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho đối tượng là cán bộ chủ chốt cấp huyện; 27 lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp ủy cấp huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó đã lồng ghép chuyên đề bồi dưỡng kiến thức về tôn giáo và công tác tôn giáo cho hơn 4.000 lượt cán bộ, công chức.

Tuyên truyền sâu rộng, đa dạng
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vĩnh trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc đột xuất trong thực hiện công tác tôn giáo
Ảnh: Công Kiên

Còn tại Nghệ An, từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh cũng đã tổ chức 11 hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho đối tượng là cán bộ công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo các cấp, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh với số lượng 2.700 lượt người tham dự. UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức 102 hội nghị cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã với 12.915 đại biểu tham gia; tổ chức 12 hội nghị phổ biến pháp luật cho chức sắc, chức việc, tín đồ tiêu biểu với 591 đại biểu. Phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162 hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho 200 đại biểu các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh (trong đó có 120 đại biểu Nghệ An).

Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại Nghệ An còn được thực hiện dưới nhiều hình thức khác như: Tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử của các cấp, ngành, địa phương; mở chuyên trang đời sống tôn giáo trên ấn phẩm báo in và báo Nghệ An điện tử; thực hiện cấp phát báo Nghệ An cho một số tổ chức, chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn; cấp phát tài liệu liên quan đến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; biên soạn tài liệu Hỏi - Đáp về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; thông qua các hình thức giao lưu, gặp gỡ… Phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ chuyển giao và hướng dẫn thực hiện 2 tập bài giảng môn học Lịch sử Việt Nam và Pháp luật Việt Nam đưa vào chương trình giảng dạy tại Trường Đại chủng viện Vinh - Thanh.

Ở cấp huyện, hàng năm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An lồng ghép vào chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của huyện, xã để triển khai pháp luật và các quy định liên quan đến công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Đã tổ chức được 4 đợt tuyên truyền tại 6 xã, 24 xóm, với tổng số 1.728 lượt người tham gia; xây dựng được 4 chuyên đề về tôn giáo phát trên hệ thống truyền thanh của huyện… 12 xã, thị trấn tổ chức được 2 đợt tuyên truyền tại 84 xóm, khối với 5.468 lượt người tham dự; thu phát, truyền tải thông tin liên quan đến công tác tín ngưỡng, tôn giáo phát trên hệ thống FM cấp xã với 1.150 buổi, thời lượng 10 phút/buổi…

Có thể nói, thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã giúp cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người đại diện, Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng hiểu rõ, nắm bắt được các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; cập nhật kịp thời các thông tin, văn bản liên quan để hoạt động theo đúng quy định pháp luật, đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đối với quê hương, đất nước.

Đoàn giám sát mong muốn hình thức, nội dung tuyên truyền, ph biến, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cần đa dạng và hấp dẫn hơn, để thu hút được nhiều người tham gia, từ đó đạt hiệu quả tuyên truyền cao hơn.

Anh Minh