Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024)

Tròn trách nhiệm, bản lĩnh của người lính thời bình

- Thứ Tư, 24/07/2024, 06:56 - Chia sẻ

Hội nghị Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 diễn ra sáng 23.7 tại Hà Nội là một trong những hoạt động chính nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Sự kiện năm nay có sự tham gia của hơn 400 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu trên toàn quốc. Họ là những người lính thời bình luôn thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm trước công việc, tích cực làm kinh tế với tinh thần của cựu chiến binh "tàn nhưng không phế".

Đồn là nhà, biên giới là quê hương

Chia sẻ tại Hội nghị, Thượng tá Quách Thiện Dư, Chính trị viên, Đồn Biên phòng La Êê, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, Đồn Biên phòng La Êê luôn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; làm tốt nhiệm vụ của bộ đội biên phòng trong phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau tại vùng dân tộc Giẻ Triêng, dọc tuyến biên giới huyện Nam Giang.

Trung tá Nguyễn Chí Thành cùng Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam trở về khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: cand.com.vn
Trung tá Nguyễn Chí Thành cùng Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam trở về khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: cand.com.vn

Nói về công việc của mình và đồng đội, Thượng tá Quách Thiện Dư bày tỏ, nhiệm vụ bảo vệ biên giới trong thời bình có rất nhiều thuận lợi, tuy nhiên cũng không ít khó khăn, thách thức. "Tôi luôn nghĩ, thế hệ cha anh của chúng ta đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước thì thế hệ hậu sinh phải bám trụ biên cương, bám trụ Trường Sơn để bảo vệ Tổ quốc. Hơn nữa, làm nhiệm vụ trong điều kiện bà con dân tộc thiểu số vùng biên giới với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 70%, đường tuần tra biên giới chưa được triển khai xây dựng; chúng tôi luôn suy nghĩ, trăn trở làm sao để phối hợp với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho bà con".

Những thách thức trên đây, theo Thượng tá Quách Thiện Dư là môi trường, điều kiện để các anh rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng, nâng cao trình độ năng lực, đồng thời cũng là quyết tâm để xây dựng lòng tin trong nhân dân, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Với suy nghĩ đó, anh cùng đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ của mình như tham mưu cho địa phương trong việc xây dựng 6 tổ tự quản đường biên cột mốc. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, đòi hỏi các chiến sĩ phải có uy tín lớn, có lòng tin từ phía nhân dân.

"Xác định đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt, cùng với đó thực hiện nghiêm Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9.1.2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; đơn vị đã phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các xã biên giới xây dựng 6 tổ tự quản. Mỗi tổ tự quản thành lập các lực lượng nòng cốt, phát huy vai trò lãnh đạo, vai trò của già làng trưởng bản; thường xuyên cung cấp các thông tin, nâng cao kỹ năng, trình độ cho bà con nhân dân trong quá trình bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch Covid-19 và công tác chống xuất, nhập cảnh trái phép, công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… Qua đó, thể hiện được vai trò của người lính biên phòng với bà con nhân dân, trở thành cột mốc sống trong quá trình bảo vệ biên cương góp phần xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn" - Thượng tá Quách Thiện Dư nhấn mạnh.

Trách nhiệm, bản lĩnh của người lính

Cũng tại hội nghị, Trung tá Nguyễn Chí Thành, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Phó Đội trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 20 năm công tác, anh nhớ nhất nhiệm vụ được Bộ Công an điều động thực hiện cứu hộ tại hang sâu 220m và 280m thẳng đứng tại Cao Bằng và Hà Giang. Đây là nhiệm vụ rất khó và nguy hiểm nhưng với tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh của người lính cứu nạn cứu hộ, anh đã vượt qua mọi khó khăn và đưa được thi thể nạn nhân mất hơn 10 ngày bàn giao cho địa phương.

Hội nghị Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 góp mặt trên 400 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước. Trong đó, 13 đại biểu là lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 36 Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; hơn 200 thương binh, trong đó có 22 thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, 44 bệnh binh, 53 thân nhân liệt sĩ và các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu khác.

"Được rèn luyện thực tế, nên nhiệm vụ duy nhất của chúng tôi là hoàn thành nhiệm vụ, vượt qua khó khăn. Những lúc nguy hiểm như thế chúng tôi luôn hướng về nạn nhân bằng mọi giá để cứu sống, hoặc chí ít phải đưa về cùng gia đình. Đó là trách nhiệm thiêng liêng của người lính cứu nạn, cứu hộ", Trung tá Nguyễn Chí Thành nói.

Tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, anh Thành cùng đồng đội đã làm nên kỳ tích khi đã cứu sống được thiếu niên 17 tuổi dưới đống đổ nát. Qua đó, được bạn bè thế giới cũng như Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá rất cao về năng lực, tinh thần trách nhiệm cũng như là sự xông pha của chiến sĩ cứu hộ Việt Nam; anh Thành tự nhủ, nếu được chọn lại vẫn chọn công việc này vì đây là sứ mạng của người lính cứu nạn, cứu hộ.

Với thương binh 3/4 Trần Văn Chi, dân tộc Khmer, ngụ ấp Long Thành, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng, trách nhiệm của ông, của một cựu chiến binh là tiếp tục nỗ lực trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, xây dựng cộng đồng dân cư vững mạnh. Trong cuộc sống hiện tại, mặc dù bị mất đến 60% sức lao động, ông vẫn luôn lạc quan, nỗ lực vượt khó, tích cực lao động sản xuất kinh doanh hiệu quả, không những bảo đảm cuộc sống gia đình, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương. Thương binh Trần Văn Chi kể, năm 1985, khi vừa tròn 21 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tham gia nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Hơn một năm sau, trong quá trình làm trinh sát, chiến đấu tại nước bạn, ông đã giẫm phải mìn và bị thương một phần chân trái, phải về quê nhà hưởng chế độ thương, bệnh binh.

Sau khi xuất ngũ, trở về cuộc sống đời thường, kinh tế nhà ông Chi gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng ông có 2 người con, song đều không mấy khá giả, ông phải nuôi thêm cả hai đứa cháu nội. Để có thể trang trải cuộc sống gia đình, ông Chi đã bàn với vợ nuôi lươn để tăng thêm thu nhập. Với số vốn không có nhiều, ông đã vay mượn để nuôi 2.000 con lươn, thu hoạch 2 lần trong năm, với tổng thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng.

Để có thành quả như ngày hôm nay, ông Chi đã phải trải qua biết bao khó khăn và thử thách. Đặc biệt là thời điểm khi mới bắt tay vào gây dựng trang trại, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm... nhưng với sự động viên của gia đình, tâm niệm giữ trọn phẩm chất người lính Cụ Hồ, ông luôn tự nhủ mình phải nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh để làm gương cho con cháu và góp sức xây dựng quê hương, là "thương binh tàn nhưng không phế". 

Song song với làm kinh tế, ông Chi còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Chi bộ đảng, Hội cựu chiến binh xã và địa phương. Ông cũng thường xuyên vận động người dân trong ấp, xã làm chăn nuôi, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hồng Hà
#