Hoạt động tín dụng chính sách tại Kiên Giang

Tiếp sức để người dân thoát nghèo

- Thứ Hai, 29/01/2024, 08:37 - Chia sẻ

Trở lại Kiên Giang, một tỉnh có diện tích lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều lợi thế về địa hình, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, cùng những thắng cảnh nổi tiếng như đảo ngọc Phú Quốc, biển biếc Hà Tiên… chúng tôi cảm nhận thấy sự đổi thay nhanh chóng, toàn diện của mảnh đất tận cùng phía Tây Nam Tổ quốc. Thành quả đó có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn thể Nhân dân và sự tận tâm của những người làm tín dụng chính sách.

Đổi đời bằng nguồn vốn vi mô

Ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao - nơi sinh sống của 360 hộ gia đình, trong đó người dân tộc Khmer chiếm 78%. Nơi đây có một thời đằng đẵng là ấp nghèo nhất xã, đời sống người dân còn lắm gian nan, thiếu thốn.

Khi ấp 6 loay hoay tìm lối thoát nghèo cũng là lúc chính quyền các cấp phát động thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, ấp 6 được các cơ quan, đơn vị khuyến cáo tham gia, hỗ trợ tạo sinh kế, đặc biệt được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ưu tiên đầu tư hàng tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi, giúp dân cải tạo vườn tạp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề thủ công, tạo thêm việc làm, tăng nguồn thu nhập.

Nhiều đồng bào Khmer đã thoát nghèo bằng nguồn vốn tín dụng chính sách. Ảnh: T. Văn
Nhiều đồng bào Khmer đã thoát nghèo bằng nguồn vốn tín dụng chính sách. Ảnh: T. Văn

Khó khăn được tháo gỡ, ấp 6 đã hết hộ nghèo, số hộ khá và giàu cũng nhiều lên. Đơn cử như hộ chị Danh Thị Bích Ngọc, mới ngày nào còn nghèo túng, sống trong căn chòi lá mà nay đã vươn lên, thoát khỏi đói nghèo. Chị Ngọc cho biết, được như hôm nay là do Chi hội phụ nữ ấp 6 đã kết nối chị với NHCSXH để vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi. Nguồn vốn đã giúp chị xây chuồng nuôi heo nái và khôi phục nghề truyền thống đan lát; có cuộc sống ổn định và thu nhập bền vững.

Trường hợp khác là chị Huỳnh Thị Lan Chi, ngụ tại ấp Đường Gô Lô, xã Long Thạnh - hộ đầu tiên trong huyện Giồng Riềng sử dụng vốn chính sách dành cho người chấp hành xong án phạt tù để mở cửa hàng bán tạp hóa, thức ăn gia súc, nay đã dần ổn định cuộc sống. Chị Lan Chi xúc động tâm sự: "nhờ chính sách mới của Nhà nước về việc cho người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn ưu đãi thuận lợi để sản xuất kinh doanh giải quyết việc làm. Hiện giờ, cuộc sống đã trở lại yên lành, tôi không còn nghĩ ngợi, hành xử sai trái như thời lầm đường lạc lối nữa".

Không chỉ chị Ngọc hay chị Chi được thụ hưởng chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước mà rất nhiều người khó khăn đã vươn lên từ đồng vốn vi mô. Đến nay, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã được các cán bộ NHCSXH Kiên Giang phủ sóng rộng khắp miền quê cực Tây Nam Tổ quốc rộng lớn 6.269km2, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của Nhân dân địa phương.

Cùng địa phương giảm nghèo

Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Kiên Giang Đoàn Công Thiệt, hiện NHCSXH tỉnh đang triển khai 21 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ 5.873 tỷ đồng, tăng 1.089 tỷ đồng so với đầu năm 2023. Dòng chảy vốn chính sách đã về đến hầu hết xã, phường, thị trấn của 15 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong đó được ưu tiên đầu tư tập trung vào vùng sâu, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số, đồi núi.

Trong 21 năm qua, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ đắc lực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại. Hiện, đã có trên 46 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để chủ động phát triển sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm cho hơn 11 nghìn lao động, giúp cho gần 2.000 gia đình học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập của con em, 407 căn nhà được xây dựng, cải tạo từ đồng vốn chính sách; 17 khách hàng là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn chính sách theo Quyết định số 22/2023 của Thủ tướng Chính phủ để hoàn lương, hòa nhập cộng đồng…

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, làm giảm tệ nạn cho vay nặng lãi. Cụ thể, tính đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh Kiên Giang giảm xuống còn 1,69%. Mục tiêu đến năm 2025, Kiên Giang phấn đấu mỗi năm giảm 0,2% hộ nghèo. Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo hàng năm từ 1 - 1,5% và giảm 60% số xã đặc biệt khó khăn.

Hiệu quả nguồn vốn chính sách trên quê hương Kiên Giang đã hiện rõ, được các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và đông đảo Nhân dân ghi nhận, đánh giá là một công cụ hữu hiệu trợ giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu. Điểm nổi bật trong suốt những năm qua là hệ thống NHCSXH Kiên Giang đã tập trung huy động được nguồn vốn lớn, tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH tỉnh đạt 5.885 tỷ đồng, tăng 1.092 tỷ đồng so với năm 2022.

Cùng với đó, NHCSXH Kiên Giang triển khai tốt chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, thiên tai; ưu tiên đầu tư vốn chính sách vùng dân tộc thiểu số và đồi núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP; cho vay kịp thời vốn chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể thấy, trong bức tranh kinh tế sáng màu của Kiên Giang có sự đóng góp không nhỏ của nguồn vốn tín dụng chính sách. "Thời gian tới cùng các cấp, các ngành, chúng tôi tiếp tục đồng hành với quê hương, tạo đà để mảnh đất tận cùng phía Tây Nam tổ quốc chuyển mình mạnh mẽ, phát triển kinh tế nhanh chóng, bảo đảm an sinh xã hội bền vững" - Giám đốc Đoàn Công Thiệt khẳng định.

Đông Dư - Thành Văn
#