Thêm kỹ năng, thêm cơ hội nghề nghiệp

- Thứ Năm, 21/03/2024, 07:28 - Chia sẻ

Nghị định số 70/2023/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; đã mở thêm cánh cửa cho người lao động có tay nghề chuyên môn cao. Theo đó, chỉ khi không thể tuyển được lao động Việt Nam vào các vị trí cần tuyển dụng, các doanh nghiệp mới có thể tuyển lao động nước ngoài. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức, buộc người lao động phải nâng cao tay nghề, kỹ năng. 

Cơ hội nắm các vị trí quan trọng

Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh, việc tuyển dụng lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng lao động người nước ngoài của các doanh nghiệp được thực hiện theo Nghị định số 70/2023/NĐ-CP. 

Theo đó, nội dung thông báo tuyển dụng bao gồm: Vị trí và chức danh công việc, mô tả công việc, số lượng, yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, mức lương, thời gian và địa điểm làm việc. Sau khi không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị ví tuyển dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều này.

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục cho rằng, Nghị định này sẽ mở ra nhiều cơ hội, vị trí việc làm cho người lao động chất lượng cao có chuyên môn về quản lý, điều hành, khoa học kỹ thuật và có cơ hội tiếp cận với các vị trí việc làm với mức lương hấp dẫn, cùng các chính sách ưu đãi, môi trường làm việc năng động tại các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Theo thống kê đến ngày 15.3, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 2.000 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng; gần 3.000 lao động Việt Nam có trình độ chất lượng cao (theo Nghị định số 70/2023/NĐ-CP) vào các vị trí dự kiến tuyển dụng lao động người nước ngoài. Trong đó, gần 1.000 vị trí, chức danh công việc là quản lý, chuyên gia, lao động chuyên môn kỹ thuật còn trong thời hạn tuyển dụng đến hết ngày 26.3, với mức lương bình quân 50 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, qua theo dõi, có gần 100 lượt lao động Việt Nam tương tác ứng tuyển, nhưng chưa có người trúng tuyển vào các vị trí tuyển dụng. 

Theo TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, những lao động được đào tạo và giáo dục nghề nghiệp có khả năng được tuyển dụng, có thu nhập và sự hài lòng trong công việc cao hơn so với những người không được đào tạo. Lao động được đào tạo và giáo dục nghề nghiệp được trang bị tốt hơn để thích ứng với các công nghệ kỹ thuật số mới, khả năng có việc làm và khả năng cạnh tranh được cải thiện, có thể đối phó với những thách thức kinh tế và có nhiều khả năng duy trì việc làm hơn so với những người không được đào tạo.

Chú trọng đào tạo nghề trong thời đại mới

Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, 68% công việc hiện nay đòi hỏi kiến thức, kỹ năng số cơ bản; 1/5 công việc cần các kỹ năng số chuyên sâu. Việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ số sẽ dần phổ biến, làm thay đổi hình thức việc làm và trở thành xu thế chủ đạo trong thời đại số hóa.

"Sự chuyển đổi mạnh mẽ đó làm thay đổi nhanh chóng những đòi hỏi từ thế giới việc làm, thị trường lao động và buộc cơ quan quản lý phải tăng cường cơ chế khảo sát nhu cầu nhân lực, có kế hoạch đào tạo để chuẩn bị lực lượng lao động phù hợp cho sự phát triển kinh tế thành phố" - Thạc sĩ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có văn bản số 351 gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề mới, kỹ năng mới. Đây là một trong những nhiệm vụ nhằm triển khai các nghị quyết, chương trình, đề án của Chính phủ về đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, ngành nghề mới, kỹ năng mới.

Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo các ngành, lĩnh vực mới nổi, ngành nghề mới, kỹ năng mới. Bao gồm: Trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, chuyển đổi năng lượng, tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen, logistics, đường sắt cao tốc...

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, Vụ không đi sâu vào vấn đề đào tạo mà đi chung vào phát triển và trang bị kỹ năng nghề cho người lao động trong lĩnh vực mới, nghề mới. Vụ Kỹ năng nghề thực hiện chuẩn hoá nghề theo Luật Việc làm; phối hợp xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề theo nhu cầu thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó, chuẩn hóa, đánh giá và cấp chứng chỉ cho người lao động tự học, tự trang bị; cơ sở đào tạo căn cứ vào đó xây dựng các chương trình đào tạo.

Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề nhấn mạnh, việc chuẩn hoá các kỹ năng nghề không chỉ giúp các trường học mà chính các doanh nghiệp cũng đào tạo được người lao động. Đồng thời, đặt ra tiêu chuẩn để doanh nghiệp có thể tự phát triển cho người lao động, đúng nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp.

"Nhu cầu đến đâu, chuẩn hóa đến đó. Bản thân người lao động muốn tham gia lao động ở ngành nghề đó thì họ đối chiếu vào kỹ năng nghề, năng lực của bản thân để lựa chọn phương pháp học phù hợp" - ông Nguyễn Chí Trường chia sẻ.

Dương Lê
#