Sử dụng căn cước công dân gắn chip trong khám, chữa bệnh

- Thứ Hai, 03/10/2022, 05:08 - Chia sẻ

Theo BHXH Việt Nam, tính đến 23.9, toàn quốc đã có 11.445 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chip phục vụ khám, chữa bệnh BHYT (chiếm khoảng 90% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc) với 2.554.284 lượt tra cứu.

90% cơ sở y tế sử dụng thông tin từ CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh BHYT
90% cơ sở y tế sử dụng thông tin từ căn cước công dân gắn chip trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Tiện ích này có được từ việc BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; trong đó có việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, triển khai kỹ thuật bảo đảm từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám, chữa bệnh BHYT.

Được biết, thống kê đến 23.9, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực 51.240.009 thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 60.577.853 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho Cơ sở dữ liệu quốc gia quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, trong triển khai Đề án 06, BHXH Việt Nam cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao tạo thuận lợi lớn cho người tham gia, thụ hưởng chính sách, chế độ BHXH, BHYT như liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; triển khai các dịch vụ công cấp độ 4.

Toàn ngành tập trung tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thành phần hồ sơ trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam, Cổng Dịch vụ công quốc gia theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chip và trên dữ liệu của Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp với đơn vị đầu mối của Bộ Công an nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật để tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vào các Hệ thống của BHXH Việt Nam…

Về ứng dụng VssID-BHXH số, BHXH Việt Nam cũng tích hợp, cung cấp 7 dịch vụ công dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID. Cụ thể, cấp lại sổ BHXH không thay đổi thông tin; cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất; chuyển địa bàn hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH; thay đổi hình thức lĩnh hoặc thông tin người hưởng chế độ BHXH; đăng ký tài khoản giao dịch điện tử cho con; hỗ trợ Covid-19 theo Nghị quyết số 116/NĐ-CP ngày 24.9.2021 của Chính phủ; ủy quyền lĩnh thay các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp. Trong quý III.2022, toàn ngành đã triển khai đăng ký, phê duyệt tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập và sử dụng Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam và ứng dụng VssID) cho 401.649 người. Số luỹ kế đến nay là 26,6 triệu tài khoản.

Linh Cao