Nhân lực logistic

Nhu cầu cao, đáp ứng hạn chế

- Thứ Tư, 25/10/2023, 18:45 - Chia sẻ

Với chỉ số tăng trưởng từ 14-16%, Logistics là một trong số các ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để đáp ứng được nguồn nhân lực có kỹ năng cho lĩnh vực này là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm…

Mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu

Báo cáo về Logistics Việt Nam cho thấy, dự kiến đến năm 2030, nhu cầu về nguồn nhân lực Logisstics là khoảng 200 nghìn người. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ khoảng 10 % nhu cầu thị trường.

Cụ thể, Báo cáo cũng chỉ ra, số lao động được đào tạo bài bản về logistics chỉ chiếm khoảng 5-7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này. Nên có thể thấy nguồn nhân lực logistic tại Việt Nam đang thiếu cả về chất và lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, quy mô đào tạo chính quy dài hạn và ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của doanh nghiệp hiện nay. Có đến 85,7% doanh nghiệp Việt Nam phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc... Đặc biệt một số doanh nghiệp có quy mô lớn đã tự đầu tư trung tâm đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng riêng để bảo đảm mục tiêu phát triển.

Có thể thấy, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu về trình độ chuyên môn và kỹ năng của nhân lực logistics ngày càng đòi hỏi cao hơn. Đặc biệt, nguồn lao động có kiến thức chuyên môn sâu về ngành, các kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, đàm phán… sẽ là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Về lâu dài, nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng đuổi kịp các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước và quốc tế.

Cần một Hội đồng tư vấn kỹ năng

Thảo luận về “Phát triển kỹ năng nhân lực ngành Logistics và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia GDNN trong kỷ nguyên số”, TS. Kaye Eldridge, Giám đốc chương trình Aus4Skills cho rằng, cần thí điểm thành lập Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành logistics (LIRC) và thực hiện các hoạt động của Hội đồng một cách hiệu quả, bền vững. Đối với các cơ sở GDNN và doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo nghề ngành logistics đảm bảo đạt những kiến thức và yêu cầu được mong đợi ở người học sau khi tốt nghiệp; thực hiện các khung giải pháp đảm bảo chất lượng giáp dục cho sự phát triển kỹ năng trong ngành logisstics và các lĩnh vực liên quan; khuyến khích phát triển kỹ năng và sử dụng lao động có tính bao trùm trong ngành logistics và các lĩnh vực liên quan.

Trao đổi về thách thức của chuyển đổi số trong GDNN và giải pháp nào để nó có thể diễn ra suôn sẻ, bà Vũ Lan Hương, Phó Chánh văn phòng Tổng cục GDNN đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, về công nghệ lẫn kỹ năng đang có sự chênh lệch giữa các cơ sở GDNN. Quan trọng hơn cả là cần sửa đổi hành lang pháp lý. Ví dụ như cần xây dựng hành lang pháp lý công nhận kết quả hoạt động đào tạo trực tuyến hay là xây dựng, ban hành các quy định về quản lý, thu thập dữ liệu GDNN… Tuy nhiên, nếu thực hiện việc chuyển đổi số quá nhanh lại vô hình chung tạo sức ép cho GDNN nhưng lại không được quá chậm do chuyển đổi số không chờ một ai. Do đó không thể áp dụng chuyển đổi số cho toàn bộ đối tượng mà phải chia theo từng vùng, từng trường hợp cụ thể.      

Đồng tình với ý kiến trên, ông Peter Nemtsas, Giám đốc Autocon cho rằng, doanh nghiệp với các cơ sở GDNN cần chủ động tìm đến nhau để một bên có công nghệ, một bên cần đào tạo về công nghệ sớm bổ trợ cho nhau. PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam bổ sung, việc chú trọng phát triển logistics cần có tư duy liên kết vùng trong đào tạo và GDNN, xây dựng mô hình ba nhà: nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp và kết hợp với việc xây dựng hệ sinh thái, cần đội ngũ giảng viên ưu tú có thể truyền đạt được cho người học thì nhà doanh nghiệp sẽ có nguồn lao động dồi dào.

Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức nêu trên, Giám đốc điều hành Công ty Claire Field & Cộng sự, Chuyên gia GDNN quốc tế Claire Field cho rằng, trong  thách thức có cơ hội cho người khuyết tật. Phải đảm bảo cơ sở giáo dục có tính bao trùm và hòa nhập, phải đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu của người khuyết tật…

Ngô Minh Phúc
#