Nâng chất lượng, nâng lợi thế cạnh tranh

- Thứ Ba, 05/03/2024, 12:18 - Chia sẻ

Lực lượng lao động trẻ đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi thế dân số vàng đến năm 2038. Để tận dụng tốt thời cơ này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã ban hành Văn bản số 351 gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề mới, kỹ năng mới.

Thêm cơ hội việc làm cho lao động trẻ

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, nhiều nghề truyền thống mất đi nhưng nhiều nghề mới, công việc mới sẽ xuất hiện, tạo cơ hội việc làm cho lao động trẻ.

Trong bối cảnh này, lao động trẻ ngoài việc cần trang bị những kỹ năng nghề nghiệp thông qua đào tạo nghề, cần phải được trang bị những kỹ năng mềm, kỹ năng thích ứng để có thể làm việc trong môi trường 4.0, có năng lực ứng phó với hoàn cảnh, nhất là với những rủi ro phi truyền thống. Lực lượng lao động trẻ là những người tiếp thu nhanh khoa học công nghệ, có tính năng động cao, chiếm tỷ lệ chủ yếu trong lực lượng lao động qua đào tạo nghề. Đây chính là những lợi thế để lao động trẻ tích cực rèn luyện, trang bị kỹ năng, đáp ứng thị trường lao động.

TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh khẳng định, hiện nay, ở Việt Nam vẫn tồn tại sự chênh lệch giữa kỹ năng của người lao động có và các kỹ năng mà thị trường lao động cần, dẫn đến tỷ lệ sử dụng lao động qua đào tạo còn thấp, trong khi thị trường lại thiếu lao động có trình độ, kỹ năng nghề. 

Nâng chất lượng, nâng lợi thế cạnh tranh -0
Đào tạo lao động trẻ cần thay đổi để đón đầu thị trường. Nguồn: ITN

Theo các chuyên gia, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trong đó thanh niên là lực lượng chính đóng vai trò quan trọng, là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, nhà quản lý, doanh nghiệp. 

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, kỹ năng thấp chính là "rào cản" đối với lao động thanh niên Việt Nam trong thị trường việc làm 4.0. Vì vậy, nâng cao kỹ năng của lao động thanh niên, tạo điều kiện cho lao động thanh niên Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nhân lực toàn cầu là yêu cầu cấp thiết đặt ra của nền kinh tế. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, tăng cường dự báo thị trường lao động, tổ chức đào tạo, đặc biệt là đào tạo các ngành mới, đón đầu nhu cầu thị trường lao động là những giải pháp được các cấp, các ngành triển khai, góp phần cung ứng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trẻ cho thị trường lao động.

Đào tạo các ngành nghề mới

Liên quan đến đào tạo nghề cho thanh niên tiếp cận kỹ thuật công nghệ, đáp ứng nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp, từ cơ sở đào tạo, ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 (đóng tại tỉnh Đồng Nai) cho rằng, Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đã và đang làm thay đổi mạnh phương thức và công nghệ sản xuất, dây chuyền sản xuất được hiện đại hóa. Từ đó, nguồn nhân lực qua đào tạo cần bảo đảm về kiến thức, kỹ năng "cứng" (năng lực số, công nghệ, lập trình, tương tác giữa người với người máy...) và kỹ năng "mềm" (khả năng tư duy sáng tạo, làm việc nhóm, ứng phó khó khăn, rủi ro) mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong nền kinh tế số.

Trước thực trạng đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã ban hành Văn bản số 351 gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề mới, kỹ năng mới.

Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cả nước hiện có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp, 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt ra đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong năm 2024.

Các nhiệm vụ tiếp theo trong năm là tập trung chỉ đạo công tác tuyển sinh, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động để đáp ứng nhu cầu lao động; bảo đảm cho phục hồi, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, đổi mới chương trình, phương thức đào tạo…

Theo đó, ngành tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; ưu tiên cho các lĩnh vực, ngành nghề mới với kỹ năng mới, góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; nghiên cứu, đổi mới việc đánh giá kiến thức, kỹ năng và công nhận chứng chỉ, bằng cấp cho người học, người lao động.

Dương Lê
#