Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái

- Thứ Ba, 19/12/2023, 10:14 - Chia sẻ

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8.8.2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu...

Đa dạng, phong phú hình thức tuyên truyền

Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có 35.823ha rừng (chiếm trên 17,09% diện tích tự nhiên), phân bố trên địa bàn 3 huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ; trong đó, rừng đặc dụng có 29,92ha; rừng phòng hộ là 35.250,16ha; rừng sản xuất 542,92ha; độ che phủ của rừng là 15,93%. Theo tính toán sơ bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, rừng ngập mặn Cần Giờ có thể hấp thụ gần 11 triệu tấn CO2/ha; cung cấp khoảng 8 triệu tấn CO2/ha; tích tụ khoảng 3 triệu tấn CO2/ha và có giá trị trao đổi CO2 khoảng 77 triệu USD/ha/năm.

Nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tham gia trồng, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng, qua hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, TP. Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú và đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương; tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ động vật hoang dã.

Công tác tuyên truyền được tập trung phổ biến dưới nhiều hình thức như phát tờ bướm, treo băng rôn, áp phích tuyên truyền, tổ chức phát thanh lưu động tại khu dân cư; tham gia vận động người dân ký cam kết bảo vệ rừng, không mua bán, kinh doanh lâm sản và động vật hoang dã; vận động cán bộ, ngành, báo cáo viên, tuyên truyền viên đẩy mạnh tuyên truyền trên internet, mạng xã hội…

Trồng rừng ngập mặn tại Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: ITN
Trồng rừng ngập mặn tại Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: ITN

Là địa phương có diện tích rừng lớn của thành phố, thời gian qua, huyện Cần Giờ đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền như tổ chức hội nghị tuyên truyền môi trường; tổ chức hội thi tìm hiểu về nghiệp vụ bảo vệ rừng, rừng ngập mặn dành cho các hộ dân giữ rừng; vận động đảng viên, viên chức, hộ giữ rừng, hộ sản xuất dưới tán rừng không xả rác sinh hoạt ra sông rạch, gắn với việc thực hiện Cuộc vận động "Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường"; vận động đảng viên, viên chức, hộ giữ rừng thu gom phế liệu, rác thải nhựa trên sông, rạch trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng; thực hiện hiệu quả mô hình "Giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần" tại Điểm du lịch sinh thái Dần Xây.

Đồng thời, thành lập 25 câu lạc bộ "Em yêu thiên nhiên" trong các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè, với hơn 1.095 học sinh tham gia, góp phần lan tỏa kiến thức đến tất cả học sinh trên địa bàn, khuyến khích những hành động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường sống. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân địa phương về bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học...

Triển khai thiết thực các hoạt động

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhiều chuyên gia cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của rừng, xác định rừng là tài nguyên, nguồn lực to lớn của đất nước; là tư liệu sản xuất quan trọng, có khả năng tái tạo, là yếu tố quan trọng của môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, quốc phòng, an ninh...

Đặc biệt, nêu bật những tác động tiêu cực của việc suy giảm chất lượng rừng, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước; tác động của rừng đến vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp...

Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác quảng bá giới thiệu nhiều tour, tuyến du lịch đặc trưng đến các công ty lữ hành, các trường học trên địa bàn thành phố và phấn đấu đưa thương hiệu rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu Dự trữ sinh quyển thế giới trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái đặc trưng thu hút được nhiều khách tham quan. Mặt khác, chú trọng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân thành phố trong việc chung tay bảo vệ rừng bằng các việc làm cụ thể như giữ vệ sinh môi trường khi tham quan du lịch, dã ngoại tại các điểm có rừng; không săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm...

Theo lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, huyện có hơn 33.000ha rừng ngập mặn, chiếm hơn 45% diện tích tự nhiên... Trước đây, rừng ngập mặn Cần Giờ chỉ sử dụng để nghiên cứu, tham quan, học tập, kết hợp du lịch sinh thái, thì hiện nay với cơ chế của Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, TP. Hồ Chí Minh đã có cơ hội khai thác tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn.  

Do đó, trong thời gian tới, huyện Cần Giờ sẽ tích cực phối hợp với các sở ngành, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố những định hướng, giải pháp để vừa phát huy giá trị, vừa giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và tạo ra nền tảng, môi trường, điều kiện cho sự phát triển bền vững.

Thanh Điểu
#