Nam Định: Nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP của hợp tác xã được phân phối trong và ngoài tỉnh

- Thứ Năm, 09/05/2024, 17:59 - Chia sẻ

Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Nam Định đang tích cực tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo động lực phát triển.

OCOP là chương trình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nhằm khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế sản xuất của các vùng miền. Mặc dù “xuất phát chậm” so với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, nhưng qua 5 năm triển khai chương trình OCOP, Nam Định được đánh giá cao do đã bứt phá nhanh, mạnh cả về số lượng, chất lượng sản phẩm và tạo thêm nguồn lực tại chỗ để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu…

Phát huy vai trò của hợp tác xã trong xây dựng sản phẩm OCOP -0
Nhiều sản phẩm OCOP của Nam Định được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sử dụng. Ảnh: ITN

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 431 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, riêng khối HTX đã có 120 sản phẩm, chiếm 28,2% tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh. Các chủ thể có nhiều sản phẩm OCOP nhất của tỉnh phần lớn là HTX. Thực tế, HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Cường có 8 sản phẩm, HTX Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc huyện Giao Thủy có 6 sản phẩm, HTX Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) có 6 sản phẩm…

Điều này cho thấy vai trò của loại hình HTX phù hợp với mục tiêu quan trọng thứ nhất của Chương trình OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP của các HTX đều mang tính đặc trưng, tiêu biểu, đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương trong tỉnh như: nước mắm, hải sản sơ chế, nấm ăn, rượu gạo, rau sạch, bánh đa, bún, miến, thịt lợn và thịt lợn chế biến…

Theo quy định, đối với sản phẩm sau 36 tháng được trao chứng nhận OCOP phải được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đánh giá lại. Qua 2 lần đánh giá lại sản phẩm OCOP đã được công nhận của tỉnh thì tất cả các sản phẩm OCOP do HTX làm chủ thể đều được hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp công nhận đạt chất lượng cao, phát triển thị trường tốt, đạt giá trị gia tăng gấp nhiều lần so với trước và luôn được đầu tư đổi mới, phát triển nâng cao tính cạnh tranh; không có sản phẩm nào không được cấp lại chứng nhận hoặc ngưng sản xuất.

Thời gian qua, các HTX cũng tích cực sử dụng khai thác các ứng dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP của các HTX đã được phân phối tại hệ thống các siêu thị, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định Trần Văn Phiệt cho biết, để đạt kết quả cao trong triển khai chương trình OCOP, Liên minh HTX tỉnh đã chỉ đạo các HTX, tổ hợp tác chú trọng huy động các thành viên cùng tham gia chung sức đóng góp, xây dựng, nâng tầm các sản phẩm OCOP, ưu tiên sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đông đảo người dân, hướng các thành viên đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh dịch vụ gắn với chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm OCOP gắn với đầu tư xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao.

Phan Phương
#