Không thể lẫn lộn!

- Thứ Hai, 26/09/2022, 16:38 - Chia sẻ

Nhiều người, vì mong muốn an toàn cho bản thân, gia đình đã sẵn sàng trả mức giá cao hơn để mua thực phẩm tại các siêu thị - nơi được coi là tất cả các loại hàng hóa đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm.

Thế nhưng, thực tế không phải như vậy. Bất chấp nhiều khâu, nhiều quy định, một lần nữa, rau, các loại thực phẩm không đạt chuẩn "sạch" vẫn có mặt tại các siêu thị và được bán với giá của thực phẩm sạch. Cụ thể, mới đây nhất là việc Công ty TNHH nông sản Trình Nhi thu gom rau rồi "phù phép" thành các thương hiệu nổi tiếng cung cấp cho siêu thị và đương nhiên, khách hàng phải mua với giá của "rau sạch chất lượng cao".

Dư luận bất bình là điều dễ hiểu bởi bất kỳ mặt hàng nào khi vào siêu thị cũng đều phải bảo đảm các yêu cầu về quản lý hàng hóa, chất lượng theo từng lĩnh vực ngành nghề quản lý. Ví dụ như phải bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm; thời hạn sử dụng trên bao bì đóng gói cũng như xuất xứ, chất lượng… Bên cạnh đó, mỗi siêu thị còn có quy trình kiểm soát chất lượng, hệ thống kiểm tra, lấy mẫu khác nhau. Ngoài ra, siêu thị cũng sẽ buộc doanh nghiệp đưa hàng vào hệ thống tự cam kết bảo đảm công bố hàng hóa, và phải chịu trách nhiệm với công bố đó...

Cho nên, như nhận định của vị Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì vấn đề có thể là do gian lận chứ không phải do cấp phép chứng nhận VietGAP tràn lan từ cơ quan quản lý. Cụ thể, có thể do các tổ chức chứng nhận sự phù hợp làm gian lận, không thực hiện đúng quy trình mà vẫn cấp cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện chứng nhận VietGAP. Và thứ hai là việc tem VietGAP thật dán vào sản phẩm Viet GAP dởm có thể do chính các đơn vị sản xuất đã được công nhận VietGAP hoặc do các nhà cung cấp cho các đơn vị phân phối. Tránh nhiệm này thuộc cả doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cho các doanh nghiệp phân phối và của cả tổ chức chứng nhận sự phù hợp.

Khi lương thực, thực phẩm đã được dán nhãn mác chất lượng cao, được bán trong các siêu thị, người tiêu dùng bằng mắt thường khó có thể phân biệt là đúng hay sai mà được mua, được "tín chấp" bằng niềm tin. Cho nên, với những sự việc đã và đang xảy ra, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp, chế tài quyết liệt hơn để ngăn chặn sự thiếu tử tế, không trung thực, các trò gian dối của các nhà cung cấp. Không thể để "sạch" - "bẩn" lẫn lộn.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm hiện tại, trong lĩnh vực trồng trọt, có trên 40 tổ chức được cấp quyết định là Tổ chức chứng nhận sự phù hợp VietGAP, trong đó, Cục Trồng trọt cấp cho 12 tổ chức; Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp cho trên 30 tổ chức.

Khương Ninh
#