Không để nhân lực là rào cản của kinh tế tập thể

- Thứ Hai, 15/04/2024, 07:23 - Chia sẻ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp gần 4% GDP, vừa đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình (hiện đang chiếm khoảng 30% GDP cả nước). Tuy nhiên, nhân lực đang là rào cản đối với thành phần kinh tế này, trong số gần 72.500 cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp cả nước, có tới 44% chưa qua đào tạo. Vì vậy, cần đổi mới công tác đào tạo cho nhân lực hợp tác xã một cách toàn diện, chuyên sâu gắn với từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…

Nhân lực vẫn là mối lo của hợp tác xã

Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhận định, tìm ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này, cũng đều gặp rất nhiều lãnh đạo hợp tác xã có tình thần nhiệt huyết; tuy nhiên, ở bất kỳ vị trí nào cũng đều lo lắng về nguồn nhân lực. Vì vậy, đào tạo nhân lực là 1 trong 6 chính sách rất quan trọng của nhà nước ta về phát triển hợp tác xã.

Theo bà Vân, ngày nay, các hợp tác xã đã, đang và sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều hơn với những thách thức to lớn từ những xu hướng mới của bảo hộ mậu dịch, ở mức độ tinh vi, dễ thay đổi và khó lường hơn trước rất nhiều. Tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã ước đạt gần 126.000 người, tăng gần 9.000 người (tăng 7,6%) so với năm 2022.

Tính đến hết năm 2023, số cán bộ quản lý hợp tác xã đạt trình độ sơ cấp, trung cấp là hơn 45.000 người (chiếm 36%); số cán bộ quản lý hợp tác xã đạt trình độ cao đẳng, đại học hơn 29.000 người (chiếm 23%). Đáng chú ý, vẫn còn tới 44% cán bộ trong nền kinh tế tập thể chưa qua đào tạo.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ như trên chưa thể đáp ứng được sự phát triển của các hợp tác xã trong thời kỳ đổi mới. Thêm vào đó, phòng vệ thương mại là lĩnh vực mới với các hợp tác xã và tương đối phức tạp, cả về pháp lý lẫn yêu cầu từ thực tế. Do đó, các tổ chức kinh tế tập thể cần phải tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới để tiến sâu hơn trong quá trình hội nhập và cạnh tranh với hàng nhập khẩu ngay chính trên "sân nhà" - thị trường nội địa.

Đổi mới đào tạo càng nhanh, càng tốt

TS. Võ Thị Kim Sa, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho biết, trong môi trường kinh doanh toàn cầu biến động nhanh và có tính cạnh tranh cao hiện nay, những người cầm lái "con thuyền hợp tác xã" trên thương trường đòi hỏi phải am hiểu kiến thức, thuần thục kỹ năng, linh động nhạy bén trong quản trị kinh doanh.

Tầm nhìn của hội đồng quản trị, giám đốc hợp tác xã phải vượt qua được giới hạn của những suy nghĩ thông thường, có tính sáng tạo và khả năng dự đoán những biến động để "mở đường" cho hợp tác xã tiến lên.

Theo TS. Võ Thị Kim Sa, ngoài kiến thức về quản trị kinh doanh, các chương trình nâng cao năng lực cho hợp tác xã cần chú trọng năng lực lãnh đạo và kỹ năng "nuôi dưỡng tinh thần hợp tác". Bởi vì, một đặc trưng riêng biệt của hợp tác xã, mà không có ở bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào là lực lượng đông đảo thành viên vừa là những người đồng sở hữu hợp tác xã, vừa là những người khách hàng sử dụng sản phẩm và dịch vụ của hợp tác xã.

"Đa số họ là những người sản xuất nhỏ lẻ, manh mún với tư duy hạn hẹp "đèn nhà ai nhà nấy rạng". Người lãnh đạo hợp tác xã cần am hiểu tâm lý và có kỹ năng truyền cảm hứng, khai phóng sức sáng tạo của các thành viên hợp tác xã để họ sẵn sàng vượt qua những giới hạn mới" - TS. Kim Sa nhấn mạnh.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã là một trong những nội dung được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong 11 năm thực hiện Đề án, có 61.217 người sau khi học nghề thành lập tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ (khoảng gần 2% số người có việc làm sau học nghề). Bình quân hàng năm có 5.565 người sau học nghề đã thành lập tổ nhóm hợp tác sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tạo việc làm cho bản thân và lao động khác tại địa phương.

TS. Nguyễn Viết Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ cho rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực các hợp tác xã trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập; đó là hoạt động đào tạo còn dàn trải, phân tán ở nhiều ngành, đơn vị; nội dung, phương thức, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chưa thống nhất, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của hợp tác xã.

Độ tuổi của cán bộ quản lý hợp tác xã khá cao, phản ứng chậm với sự thay đổi thường xuyên của thị trường; thiếu tính chủ động sáng tạo trong định hướng hoạt động; kinh phí bố trí cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Bộ Tài chính còn thấp, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Mặt khác, công tác quy hoạch, tạo nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể chưa được quan tâm; trong khi đó, khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực kinh tế tập thể còn yếu.

Ông Nguyễn Viết Cường kiến nghị, cần đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, chuẩn hóa hệ thống chương trình, giáo trình đào tạo, trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập trong các trường đào tạo, bồi dưỡng do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quản lý.

Dương Lê
#