Khai thác đất hiếm vẫn… hiếm

- Thứ Hai, 05/02/2024, 07:42 - Chia sẻ

Trong bối cảnh Nhà nước ta đang định hướng phát triển công nghệ bán dẫn, việc thúc đẩy khai thác, chế biến đất hiếm - một trong những nguyên liệu chiến lược sản xuất chất bán dẫn là “đặc biệt cần thiết”. Tuy vậy, khai thác, chế biến đất hiếm còn nhiều hạn chế, dù nước ta có trữ lượng lớn thứ hai thế giới.

Chưa có nhà máy chế biến quặng đất hiếm đạt chuẩn xuất khẩu

Dẫn ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, tổng trữ lượng đất hiếm trên thế giới khoảng 120 triệu tấn, trong đó Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc (44 triệu tấn).

Thời gian qua, các cơ chế, chính sách về thăm dò, khai thác, chế biến sâu đất hiếm cơ bản được lồng ghép trong các cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản nói chung, như: Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22.7.2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW; Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 1.4.2023 của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18.7.2023 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Mặc dù có trữ lượng đất hiếm thứ hai thế giới, song việc khai thác, chế biến vẫn chưa xứng tiềm năng. Ảnh thesaigontimes.vn
Mặc dù có trữ lượng đất hiếm thứ hai thế giới, song việc khai thác, chế biến vẫn chưa xứng tiềm năng. Ảnh: thesaigontimes.vn

Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 các mỏ đã cấp phép khai thác phải hoàn thành xây dựng cơ bản, đầu tư nghiên cứu công nghệ chế biến ra sản phẩm đất hiếm hỗn hợp dạng carbonat đạt 99%. Đến năm 2030, đối với tổng các oxit đất hiếm (TREO) đạt sản lượng chế biến dự kiến từ 20.000 - 60.000 tấn/năm; đối với đất hiếm riêng rẽ (REO) sẽ đầu tư mới các dự án chiết tách - chế biến đất hiếm tại tỉnh Lai Châu và Lào Cai hoặc địa điểm phù hợp, dự kiến từ 20.000 - 60.000 tấn/năm. Giai đoạn 2031 - 2050, tập trung chế biến sâu các kim loại đất hiếm, với tổng các oxit đất hiếm từ 40.000 - 80.000 tấn/năm; đầu tư mới nhà máy luyện kim đất hiếm với tổng công suất từ 7.500 - 10.000 tấn/năm…

Mặc dù đã có cơ chế, chính sách song thực tế việc khai thác, chế biến và sử dụng đất hiếm của nước ta còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng. Hiện, Việt Nam chưa có nhà máy chế biến quặng đất hiếm thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với hàm lượng tổng oxit đất hiếm phải đạt tối thiếu từ 95%.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu, làm chủ nhiều công nghệ liên quan đến khai thác, chế biến sâu đất hiếm, song các kết quả nghiên cứu trong nước chủ yếu dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa được các doanh nghiệp nghiên cứu áp dụng vào thực tế sản xuất quy mô lớn. Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ từ các nước có công nghệ nguồn cũng gặp phải nhiều khó khăn do đòi hỏi quy mô đầu tư lớn, các nước giữ bí mật, hạn chế chuyển giao công nghệ…

Khuyến khích đầu tư cho chế biến sâu đất hiếm

Đất hiếm được xác định là loại khoáng sản đặc biệt, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao. Đặc biệt, đây là một trong những nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn - ngành công nghiệp đang được nước ta định hướng thúc đẩy để tạo sự tăng trưởng nhanh, bền vững.

Để thúc đẩy phát triển công nghệ điện tử sản xuất chất bán dẫn từ đất hiếm, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định, thời gian tới sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất chất bán dẫn, khai thác và chế biến sâu đất hiếm tại Việt Nam. Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phòng thí nghiệm hoặc đầu tư tăng cường tiềm lực cho các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện, trường liên quan đến công nghệ bán dẫn, khai thác và chế biến sâu đất hiếm.

Cùng với đó, bộ sẽ triển khai có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được phê duyệt, trong đó ưu tiên triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công nghệ bán dẫn, khai thác, chế biến sâu đất hiếm, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan công nghệ sản xuất chất bán dẫn từ nguồn đất hiếm trong nước. Phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn, gắn với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhằm khai thác, chế biến sâu đất hiếm đủ điều kiện làm nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất điện tử, chất bán dẫn trong và ngoài nước.

Song song với đó, bộ cũng sẽ thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về chất bán dẫn, khai thác và chế biến sâu đất hiếm; ưu tiên các quốc gia có công nghệ lõi sẵn sàng chuyển giao; tăng cường hoạt động đào tạo, nâng cao chất lương nguồn nhân lực thông qua triển khai các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chất bán dẫn và khai thác, chế biến sâu đất hiếm.

Minh Châu
#