ILO: Thị trường lao động đảo chiều

- Thứ Ba, 24/05/2022, 08:16 - Chia sẻ

Báo cáo nhanh số 9 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Thế giới việc làm cho thấy, công cuộc phục hồi của thị trường lao động toàn cầu đang bị đe dọa bởi những cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra đồng thời và có tác động lẫn nhau, cũng như tình trạng bất bình đẳng gia tăng.

112 triệu việc làm bị thâm hụt

Báo cáo cho thấy, sau khi đạt được những thành tựu đáng kể trong quý IV năm 2021, số giờ làm việc trên toàn cầu của quý I năm 2022 đã giảm xuống, thấp hơn 3,8% so với mức trước khủng hoảng (quý IV năm 2019). Con số này tương đương với mức thâm hụt 112 triệu việc làm toàn thời gian. Điều này thể hiện mức giảm đáng kể so với các số liệu mà ILO đã công bố vào tháng 1.2022.

Những cuộc khủng hoảng toàn cầu mới và có tác động qua lại với nhau, bao gồm lạm phát (đặc biệt là giá năng lượng và thực phẩm), bất ổn tài chính, nguy cơ vỡ nợ và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên trầm trọng hơn do chiến tranh ở Ukraine. Điều này đồng nghĩa với việc thời giờ làm việc đứng trước nguy cơ giảm sâu hơn nữa trong năm 2022, cũng như để lại những tác động lớn hơn đối với thị trường lao động toàn cầu trong những tháng tới.

ILO: Công cuộc phục hồi thị trường lao động đảo chiều -0
Thế giới việc làm đang gặp phải những khủng hoảng sau đại dịch. (Ảnh nguồn: ITN)

Báo cáo cũng cho thấy, sự khác biệt lớn và ngày càng tăng giữa các nền kinh tế giàu hơn và nghèo hơn vẫn là đặc điểm nổi bật của công cuộc phục hồi này. Các nước thu nhập cao ghi nhận sự phục hồi về số giờ làm việc trong quý đầu năm 2022. Trong cùng thời kỳ, các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp hơn lại phải đối mặt với nhiều trở ngại, với tổng số giờ làm việc vẫn thấp hơn mức tiền khủng hoảng lần lượt là 3,6% và 5,7%. Những xu hướng cách biệt này có thể sẽ còn xấu đi trong quý 2 năm 2022.

Hơn hai năm kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều người trong thế giới việc làm vẫn đang phải hứng chịu những tác động đối với thị trường lao động. Trong đó, thu nhập từ lao động vẫn chưa phục hồi đối với đa số người lao động. Năm 2021, khoảng ba phần năm số người lao động sinh sống ở các quốc gia mà thu nhập từ lao động chưa được khôi phục lại mức từng ghi nhận trong quý 4 năm 2019.

Đặc biệt, khoảng cách giới trong số giờ làm việc cũng gia tăng trong thời kỳ đại dịch. Trong quý I năm 2022, khoảng cách giới trong số giờ làm việc toàn cầu là 0,7 điểm phần trăm, cao hơn so với mức trước khủng hoảng (quý 4 năm 2019), thời điểm vốn đã tồn tại một khoảng cách lớn giữa nam giới và phụ nữ. Phụ nữ làm công việc không chính thức bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Xét theo nhóm thu nhập, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ghi nhận mức gia tăng lớn nhất trong khoảng cách giới.

ILO: Công cuộc phục hồi thị trường lao động đảo chiều -0
112 triệu việc làm toàn thời gian bị thâm hụt. (Ảnh nguồn: ITN)

Lấy con người làm trung tâm

Tổng giám đốc ILO, Guy Ryder cho rằng, công cuộc phục hồi thị trường lao động toàn cầu đã và đang ghi nhận sự đảo chiều. Một công cuộc phục hồi không đồng đều và mong manh đã trở nên bất định hơn trước sự tác động qua lại lẫn nhau của các cuộc khủng hoảng. Tác động đối với người lao động và gia đình của họ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, sẽ ở mức rất nghiêm trọng và có thể dẫn đến tình trạng mất trật tự xã hội và chính trị.”

“Lúc này, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải phối hợp cùng nhau và chú trọng xây dựng công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm.”, Tổng giám đốc ILO, Guy Ryder nhấn mạnh.

ILO: Công cuộc phục hồi thị trường lao động đảo chiều -0
Cần có chính sách hỗ trợ kịp thời người lao động trong khu vực phi chính thức. (Ảnh nguồn: ITN)

Báo cáo đề ra một loạt các biện pháp mà các quốc gia cần ưu tiên thực hiện. Trong đó, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả để duy trì sức mua của thu nhập từ lao động và mức sống chung của người lao động và gia đình họ. Khẩn trương tổ chức đối thoại ba bên để hỗ trợ điều chỉnh tiền lương phù hợp và công bằng bao gồm tiền lương tối thiểu, tăng cường hệ thống an sinh xã hội và hỗ trợ thu nhập và đảm bảo các biện pháp an ninh lương thực khi cần thiết. Đồng thời, điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô một cách cẩn trọng để giải quyết những sức ép liên quan đến lạm phát và tính bền vững của các khoản nợ, đồng thời hỗ trợ quá trình phục hồi bao trùm và tạo ra nhiều việc làm. Hỗ trợ cho các nhóm và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, những người lao động đặc biệt dễ bị tổn thương và những người đang chuyển dịch từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức.

Đình Khoa