Hành trình phát triển nền nông nghiệp xanh

- Thứ Ba, 30/04/2024, 09:04 - Chia sẻ

Nhằm xây dựng nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái đặt ra trong Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt 3 Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là: Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030.

Hướng đi tất yếu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và xanh hóa trong mọi lĩnh vực là xu thế không thể đảo ngược, xây dựng nền nông nghiệp xanh là hướng đi tất yếu của Việt Nam. Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tháng 1.2022 tiếp tục khẳng định quan điểm và mục tiêu phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt (thứ hai từ trái qua) kiểm tra các thùng thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt (thứ hai từ trái qua) kiểm tra các thùng thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp

“Trong hành trình hướng tới nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, vai trò của ngành bảo vệ thực vật hết sức quan trọng”, TS. Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp, nhận xét. Chẳng hạn, nếu bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cần thiết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và khó xuất khẩu sang những thị trường khó tính. Bà con cũng phải chuyển sang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đây đều là những việc khó nhưng buộc phải làm và ngành bảo vệ thực vật đang hết sức nỗ lực trong hành trình phát triển nông nghiệp xanh, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã có những bước đi hết sức bài bản nhằm thúc đẩy sản xuất phân bón hữu cơ, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời hướng dẫn nông dân tự sản xuất phân bón hữu cơ từ  phụ phẩm nông nghiệp sẵn có. Hiện nay số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành và công suất sản xuất của các nhà máy không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu mà không phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nhiều cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ được trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại, nhờ đó nâng cao công suất và tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tương đương với sản phẩm nhập khẩu từ các nước tiên tiến.

Tiêu thụ phân bón hữu cơ cũng tăng rõ rệt và có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Theo thống kê từ các địa phương và doanh nghiệp, tổng lượng phân bón hữu cơ cả nước sử dụng hàng năm khoảng 20 triệu tấn. Trong đó phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp là trên 2 triệu tấn, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2017 và khoảng trên 17 triệu tấn là phân bón hữu cơ nông hộ tự sản xuất từ phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… sẵn có tại địa phương.

Nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng chương trình “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021 - 2025”. Hơn 2 năm triển khai Chương trình đã tạo ra kết quả tích cực. Đến nay, nước ta có 810 loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học với 257 hoạt chất, phòng trừ hầu hết các sinh vật gây hại trên các cây trồng khác nhau. Trong số 99 nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, có 85 nhà máy sản xuất thuốc sinh học. Tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đã tăng từ 16,67% (năm 2020) lên 18,49% (năm 2022).

“Tôi cảm nhận Cục Bảo vệ thực vật những năm gần đây đã mang lại rất nhiều giá trị cho hệ sinh thái, giúp thay đổi nhiều trong suy nghĩ”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nói trong Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Bảo vệ thực vật. 

Ba Đề án quan trọng

Tiếp nối thành quả đã đạt được và hướng tới những mục tiêu cao hơn trong phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Cục Bảo vệ thực vật đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt 3 đề án quan trọng. Đó là: Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030. Các đề án gồm nhiều giải pháp về kỹ thuật, chính sách, tiến bộ khoa học, sử dụng vật tư an toàn hiệu quả cũng như các giải pháp thanh tra, kiểm tra, truyền thông nâng cao nhận thức người dân

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đây là 3 đề án độc lập nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau, nhằm huy động và phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

Trong đó, Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, cân đối dinh dưỡng vô cơ - hữu cơ để duy trì và nâng cao sức khỏe đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học góp phần phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững; nâng cao tiềm lực nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ hiện đại trong sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030 hướng tới tăng cường sức khỏe cây trồng, nâng cao khả năng phòng chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

“Với các đề án này, ngành bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục đóng góp hơn nữa với ngành trồng trọt nói riêng và nông nghiệp nói chung nhằm nâng cao chất lượng, uy tín và giá trị nông sản Việt Nam trong thời gian tới”, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt nói.

Hà Lan
#