“Giữ lửa” ngành y

- Chủ Nhật, 28/04/2024, 13:31 - Chia sẻ

Đảng, Nhà nước ta luôn đặt con người ở trung tâm quá trình phát triển, coi "sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của xã hội". Là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành y tế không ngừng nỗ lực, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Song, làm thế nào tăng cường nhân lực chất lượng cao; bảo đảm cơ chế đãi ngộ phù hợp để tạo động lực, thu hút nhân tài, cũng như "giữ chân" nhân viên y tế luôn là vấn đề được quan tâm.

Y học Việt Nam được đánh giá cao trên bản đồ y tế thế giới

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2023, ngành y tế đã thực hiện vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao (đạt 12,5 bác sĩ/10.000 dân; 32 giường bệnh/10.000 dân và 93,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế). Qua đánh giá cho thấy, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế trên 90%.

Nhận định về công tác khám, chữa bệnh trong 10 năm trở lại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đã có nhiều thành tựu khởi sắc, đáng tự hào; việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý quan trọng, bảo đảm cho công tác khám, chữa bệnh không ngừng phát triển.

“Giữ lửa” ngành y -0
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm hỏi, động viên các bác sĩ, nhân viên ngành y tế. Nguồn: ITN

Từ nền y học còn lạc hậu, gặp nhiều khó khăn, đến nay hệ thống khám, chữa bệnh Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đã ứng dụng và làm chủ được các kỹ thuật cao ngang tầm thế giới như các kỹ thuật phẫu thuật tim hở, phẫu thuật nội soi; phẫu thuật nội soi nhi khoa; ghép giác mạc; các kỹ thuật can thiệp tim mạch; thụ tinh trong ống nghiệm; ghép tạng, ghép tế bào gốc…

"Trong đó, có nhiều chuyên ngành, lĩnh vực y khoa, do chính các bác sĩ Việt Nam làm thầy, chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ của các nước trên thế giới. Các kỹ thuật này đang được chuyển giao từ các chuyên gia của bệnh viện tuyến Trung ương tới bệnh viện các địa phương trong cả nước" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ.

Để có được những kết quả ấn tượng trên, ngành y tế xác định nguồn nhân lực y tế chất lượng cao chính là yếu tố then chốt. Việc bảo đảm số lượng và chất lượng nhân lực trong ngành góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trên tinh thần đó, nhiều Đề án quan trọng được quan tâm, chỉ đạo triển khai thành công, điển hình như Đề án Bác sĩ gia đình; Đề án 1816, Đề án Nâng cao năng lực công tác kiểm chuẩn chất lượng hệ thống xét nghiệm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đơn cử như chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế cũng chưa thực sự bảo đảm yêu cầu đặt ra; vẫn còn tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ tại các cơ sở y tế khu vực công lập…

Cân đối phân bổ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo thống kê về nhân lực của ngành, hiện nay, trên cả nước có hơn 35.000 nhân viên y tế; trong số đó, lực lượng bác sĩ chiếm trên 96.200 người. Số lượng y tá và hộ lý chiếm hơn 105.000 người, tương ứng 13 y tá, hộ lý/1 vạn dân. Một trong những kết quả phát triển nhân lực y tế trong những năm qua là số lượng cán bộ, nhân viên y tế đã tăng đáng kể qua các năm. Năm 2010, có khoảng 7,3 bác sĩ/10.000 dân. Đến nay, số lượng này tăng gấp đôi với 13,3 bác sĩ/10.000 dân.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, công tác đào tạo, phân bổ nguồn nhân lực y tế vẫn đang đứng trước không ít thách thức; vẫn còn tình trạng phân bổ cán bộ y tế không đồng đều giữa các vùng, miền, tập trung ở đồng bằng, thành thị và khu vực điều trị; số lượng và trình độ nhân lực y tế chưa đồng đều giữa các tuyến y tế. Đặc biệt trước bối cảnh dân số gia tăng và già hóa dân số cũng như mô hình bệnh tật đã thay đổi theo xu hướng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm gia tăng, đòi hỏi phải tập trung vào tăng nhanh số bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng…

"Bộ Y tế rất quan tâm tới công tác đào tạo nhân lực và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng hệ thống y tế trong tương lai. Bộ Y tế đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp thiết thực nhằm nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế và đã đạt nhiều thành tựu đáng kể" - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay.

Theo đó, Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo nhân lực y tế triển khai thực hiện Thông tư quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học; tiếp đó là Đề án đào tạo cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ tiếp tục được triển khai. Cả nước có 7 trường đại học tham gia đào tạo cử tuyển, với số lượng 1.448 bác sĩ và 24 điều dưỡng. Với hình thức đào tạo theo địa chỉ, cả nước có 13 trường đại học tham gia, đáp ứng 71% nhu cầu cử người đi học của các địa phương.

Hệ thống các cơ sở đào tạo về y, dược được củng cố, sắp xếp lại và từng bước được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị; thực hiện đào tạo cán bộ y tế theo yêu cầu, theo địa chỉ cho các tỉnh khó khăn. Tại các bệnh viện đầu ngành, đều thành lập các trung tâm đào tạo - chỉ đạo tuyến để đào tạo chuyên sâu, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho tuyến dưới. Các trường và trung tâm đào tạo về quản lý bệnh viện được thành lập và hàng nghìn cán bộ quản lý bệnh viện đã được đào tạo.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ để số lượng cán bộ y tế tuyến cơ sở tăng lên, chất lượng được cải thiện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Chế độ đãi ngộ cần tương xứng với đặc thù công việc

Với phương châm lấy người bệnh là trên hết, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trước mắt; cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các thế hệ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng, vượt qua nhiều gian khó, hết lòng, hết sức cho sứ mệnh cao quý "chữa bệnh, cứu người".

Nhằm bảo đảm chất lượng đời sống cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam nói chung và Công đoàn Y tế các cấp đã tăng cường hoạt động, phát huy tốt vai trò của tổ chức công đoàn trong chăm lo, bảo vệ và đại diện. Đặc biệt, thời gian sau đại dịch Covid-19, Công đoàn Y tế luôn đồng hành cùng đội ngũ y, bác sĩ, người lao động với chuyên môn, tạo sự ổn định, môi trường làm việc lành mạnh để đoàn viên, người lao động ngành y tế phát huy được tiềm năng của một ngành đặc thù có mặt bằng dân trí cao.

Song, chế độ đãi ngộ đối với lực lượng này được đánh giá vẫn chưa tương xứng. Đây không chỉ là "tâm tư" của những người trong cuộc, mà còn là mối quan tâm của những người làm chính sách, là vấn đề "nóng" ở nhiều kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm được số lượng; cân đối phân bố giữa các vùng, miền, tăng cường bác sĩ ở tuyến cơ sở.

Bộ Y tế đề nghị, khi triển khai cải cách tiền lương, các cơ quan, ban, ngành cần quan tâm hơn nữa tới chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; trong đó có đội ngũ làm công tác dân số, bảo đảm đội ngũ y tế có đủ điều kiện làm việc.

Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội đã nêu rõ, nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Cùng với đó, khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Nghị quyết của Quốc hội đã có, Kế hoạch của Thủ tướng cũng đã có, mong rằng, các chính sách về tiền lương, phụ cấp cũng như chế độ đãi ngộ đủ sức thu hút, giữ chân nhân lực y tế ở cơ sở sớm được ban hành. Khi thu nhập đủ sống thì y, bác sĩ mới yên tâm công tác và cống hiến toàn tâm, toàn ý chăm sóc sức khỏe nhân dân.

"Tin tưởng rằng, tất cả cán bộ y tế toàn ngành sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, càng khó khăn càng phải thống nhất, đoàn kết, nêu cao y đức, tinh thần quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của toàn ngành, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân " - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định.

Hải Yến
#