Kinh nghiệm thoát nghèo

Gieo ước mơ đổi đời dưới tán rừng thông mã vĩ

- Thứ Bảy, 25/11/2023, 19:07 - Chia sẻ

Nhìn những ngôi nhà cao tầng khang trang, kiên cố nằm dưới chân đồi thông mã vĩ xanh mướt ở Bắc Xa, ít ai ngờ đây từng là một trong những xã nghèo nhất huyện vùng cao Đình Lập, Lạng Sơn.

Bản Mạ, xã Bắc Xa là thôn giáp biên, nơi xa nhất của tỉnh Lạng Sơn. Đến đây hỏi ai cũng biết ông Kỳ Dùng Phú, dân tộc Nùng, là người đầu tiên đem cây thông về trồng, cũng là người đầu tiên xây được nhà kiên cố hai tầng từ việc bán nhựa, gỗ thông.

Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, ông Kỳ Dùng Phú ấp ủ quyết tâm phải làm sao thoát được cái khó cái nghèo, thay đổi đời sống khó khăn, thiếu thốn từ trên chính mảnh đất quê hương. Tiếp xúc với cán bộ lâm nghiệp, ông Phú biết đến cây thông mã vĩ. Đây là loại cây có khả năng chịu lạnh và phù hợp với địa hình đồi núi cao. Hơn nữa, giống thông mã vĩ rất dễ trồng, chỉ mất công chăm sóc năm đầu, chủ yếu là phát cỏ, 10 - 15 năm sau cho khai thác nhựa. Mỗi cây thông cho chích nhựa khoảng 15 năm mới phải chặt bỏ, trồng thay thế cây mới. Không chỉ cho nguồn thu từ nhựa, gỗ thông cũng được giá.

Ông Kỳ Dùng Phú quyết định đưa giống cây về trồng trên đất rừng gần nhà. Ngày đó, đường lên Bắc Xa còn cách trở, khó khăn. Mọi thứ thiết yếu phải dùng sức người, sức ngựa vận chuyển mới vào đến nơi. Việc ươm trồng giống cây thông mã vĩ bởi vậy cũng gặp không ít gian nan. Bầu cây mang về đến nơi, cây héo không phát triển được. Sau đó, ông Phú sáng kiến lấy lá cây chít cuốn lại để tăng cường giữ ẩm làm bầu, tự học quy trình ươm giống cây thông, dần mở rộng diện tích trồng. Đồng thời, ông vận động các hộ gia đình trong hợp tác xã bản Mạ cùng nhau xin đất rừng để trồng thông mã vĩ. Ban đầu có 6, 7 hộ theo nhưng sau đấy ai cũng nghĩ trồng rừng lâu quá, nguồn thu chưa thấy trong khi vẫn phải ăn, phải mặc nên nhiều người chán nản từ bỏ, chỉ trồng lúa, trồng ngô.

Những năm 1980 - 1990, hợp tác xã bản Mạ chỉ còn mỗi nhà ông Kỳ Dùng Phú gắn bó với cây thông mã vĩ. Sang đến khoảng cuối những năm 1990, khi chính quyền Lạng Sơn triển khai vận động người dân nhận đất, nhận rừng trồng cây thông mã vĩ theo dự án trồng rừng, bảo vệ rừng cũng vừa lúc đồi thông nhà ông Phú bắt đầu cho nhựa. Những gánh nhựa thông đầu tiên bán qua biên giới đã đổi được gạo, phân bón... Khi cánh rừng thông già cỗi, không thể khai thác nhựa, ông lại khai thác để bán gỗ. Đốn thông đem bán gỗ rồi lại trồng thông lấy nhựa, nguồn thu từ đất rừng cứ như vậy quay vòng.

Ông Phú cho biết: “Trồng cây thông mã vĩ không bao giờ lo lỗ. Trước đây, nhựa thông được giá, có lúc lên tới 40.000 - 50.000 đồng/kg, vài năm gần đây giá thông xuống thấp hơn, dao động 20.000 - 30.000 đồng/kg nhưng vẫn mang lại nguồn thu ổn định. Trồng cây thông cũng giúp giàu lên không chỉ nhờ nhựa thông, mà còn từ khai thác gỗ. Gỗ thông bán với giá 1,3 triệu đồng/m3, có thể mang về thu nhập hàng tỷ đồng”.

Ước mơ đổi đời của bà con Bắc Xa cũng theo đó mà nối dài. Người dân ngày càng tin tưởng việc trồng cây thông mã vĩ sẽ đem lại hiệu quả kinh tế. Bà con xung phong nhận đất rừng, hào hứng học hỏi kỹ thuật trồng cây thông mã vĩ. Diện tích rừng thông mã vĩ ở Bắc Xa nhờ vậy ngày một tăng. Từ vài ha thông mã vĩ đầu tiên của nhà ông Phú, giờ đây, xã Bắc Xa đã mở rộng diện tích trồng gần 12.000ha. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Bắc Xa, toàn xã có hơn 350 hộ, trung bình mỗi hộ trồng khoảng 20 - 30ha thông mã vĩ, trong đó có khoảng 8.000ha đã cho khai thác nhựa, được thương lái trực tiếp về tận bản tìm mua. Sản lượng nhựa thông bình quân mỗi năm của xã khoảng 1.100 tấn, đem lại nguồn thu trung bình từ 150 - 200 triệu/đồng/hộ.

Từ một xã có nhiều hộ gia đình làm không đủ ăn, năm nào Nhà nước cũng phải hỗ trợ gạo cứu đói, Bắc Xa bây giờ đã giàu lên từ trồng thông. Nhiều hộ trong xã đã xây được nhà kiên cố với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, thu nhập khá giả có của ăn của để, con em được đầu tư học hành…

Có thể thấy, việc trồng rừng gắn với cây thông mã vĩ thực tế đã mang lại những lợi ích tích cực cho bà con. Đây không những làm thay đổi bộ mặt vùng cao mà còn nâng cao diện tích rừng, góp phần phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường.

Thái Minh