“Giải phóng Cần Thơ, anh em chúng tôi vui mừng không sao ngủ được”

- Thứ Hai, 29/04/2024, 07:52 - Chia sẻ

Nhớ lại kỷ niệm 49 năm – Ngày giải phóng miền Nam, giải phóng Cần Thơ, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tỉnh đội trưởng Cần Thơ, người chỉ huy cánh quân chủ lực tiến vào giải phóng Cần Thơ năm 1975, chia sẻ: “Lúc đó hào khí quân, dân Cần Thơ thật mãnh liệt, bởi họ đã nghe theo lời kêu gọi của chính quyền cách mạng. Tỉnh Cần Thơ hoàn toàn giải phóng vào khoảng 18h ngày 30.4.1975, đêm đó tôi và đồng đội vui mừng, không sao ngủ được”.

“Giải phóng Cần Thơ, anh em chúng tôi vui mừng không sao ngủ được”
Với Thiếu tướng Lê Thanh Sơn, khoảnh khắc lịch sử ngày 30.4.1975 là một ngày lịch sử trọng đại không thể nào quên

Ở tuổi ngoài 80, Thiếu tướng Sơn vẫn trồng rau, nuôi cá, đầu óc minh mẫn, đặc biệt với sự kiện ngày giải phóng Cần Thơ cách đây 49 năm, Thiếu tướng Sơn vẫn còn nhớ như in. Thiếu tướng Sơn kể, khi đó ông là Tỉnh đội trưởng Cần Thơ chỉ huy một trong những cánh quân chủ lực, chiếm các mục tiêu quan trọng, trong đó có Dinh tỉnh trưởng, Nha cảnh sát, nhà tên Tư lệnh vùng 4 Nguyễn  Khoa Nam…

Theo lời Thiếu tướng Sơn, Cần Thơ được xem là “thủ đô thứ hai” sau Sài Gòn, nên Mỹ ngụy đã điều phần lớn lực lượng về trấn thủ Cần Thơ. Thời điểm tháng 4.1975, quân số địch ở Cần Thơ có hàng chục nghìn tên, hàng trăm đồn bót, Sư đoàn 21, Sư đoàn 7...

Đối với lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Cần Thơ, Tỉnh ủy quyết định chỉ huy LLVT phối hợp với các lực lượng chủ lực của Quân khu 9, chuẩn bị, sẵn sàng giải phóng Cần Thơ khi có lệnh.

“Giải phóng Cần Thơ, anh em chúng tôi vui mừng không sao ngủ được”
Thiếu tướng Lê Thanh Sơn trồng rau, nuôi cá

Thiếu tướng Sơn, kể, ngày 26.4.1975, Bộ Chính trị, Ban chấp Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn, lấy tên chiến dịch “Hồ Chí Minh”, kết thúc chiến tranh ngay trong mùa khô 1975. Lúc này, Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ quyết tâm: “Cùng với cả nước, tỉnh nhà phải tiến lên, xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực Quân khu 9 giải phóng Cần Thơ trong thời gian sớm nhất".

Sáng 30.4.1975, LLVT Cần Thơ ở các hướng đã triển khai sẵn sàng chiến đấu. Đến 11h30 ngày 30.4.1975 cùng với đại quân chiếm Dinh Độc Lập của ngụy ở Sài Gòn, Thành ủy Cần Thơ ra lệnh cho các lực lượng tiến công đồng loạt vào các mục tiêu đã chọn. LLVT Cần Thơ chia làm 3 cánh quân tiến công áp sát Cần Thơ, trong đó Thiếu tướng Lê Thanh Sơn được giao chỉ huy Tiểu đoàn Tây Đô I tiến vào sở chỉ huy.

Khoảng 12h ngày 30.4.1975, cánh quân của Thiếu tướng Sơn tiến sát mé sông Cần Thơ (đoạn gần Rạch Sung), lúc này có nhiều lính ngụy án ngữ đường tiến công của đơn vị. Thiếu tướng Sơn dùng máy PRC25 liên lạc với tên Chỉ huy Sư đoàn 21 ngụy, yêu cầu quân địch giãn ra cách đường đi mỗi bên 500m để quân giải phóng đi qua. Với khí thế tiến công như vũ bão của quân và dân ta nên quân địch làm theo đề nghị của Thiếu tướng Sơn để giữ mạng sống.

“Giải phóng Cần Thơ, anh em chúng tôi vui mừng không sao ngủ được”
Hình ảnh Thiếu tướng Lê Thanh Sơn và đồng đội, Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Cần Thơ trong niềm vui giải phóng Cần Thơ vào ngày 30.4.1975 (Ảnh: Trần Giác).

Cánh quân của Thiếu tướng Sơn qua sông Cần Thơ, tiến qua lộ Vòng Cung, cầu Đầu Sấu để tiến về Sở Chỉ huy. Lúc này, Thiếu tướng Sơn ra lệnh Đại lộ trinh sát chiếm Đài phát thanh Cần Thơ và Dinh tỉnh trưởng (nay là trụ sở UBND TP. Cần Thơ), Đại đội 20, chiếm khu vực Nha cảnh sát; khoảng thời gian này, khắp nơi trong tại Cần Thơ máy phóng thanh vang lên lời kêu gọi địch giao nộp vũ khí cho lực lượng cách mạng.

Đến 16h30 ngày 30.4.1975, tốp quân đầu tiên của Tây Đô đã chiếm Dinh tỉnh trưởng Phong Dinh, treo cờ quyết thắng lên nóc nhà. Đến 17h, tất cả các mục tiêu đã được ta làm chủ và Đài phát thanh vang lên lời kêu gọi của quân giải phóng: “Giờ phút này LLVT cách mạng đã hoàn toàn làm chủ Cần Thơ, các sĩ quan, binh lính cộng hòa hãy nhanh chóng hạ vũ khí đầu hàng quân giải phóng”. 

Sau đó, Thiếu tướng Lê Minh Sơn tiếp tục cùng đồng đội triển khai chiếm các mục tiêu quan trọng khác, gồm: căn cứ hải quân, nhà tên tư lệnh vùng 4 Nguyễn  Khoa Nam… Lúc này đã hơn 17h30, Thiếu tướng Sơn bắt liên lạc được với Tư lệnh Quân khu 9, báo cáo đơn vị đã chiếm các mục tiêu như kế hoạch, báo cáo việc chuẩn bị đón đồng chí Trần Minh Sơn – Phó Bí thư Tỉnh ủy khi quân giải phóng chiếm lĩnh hoàn toàn tỉnh Cần Thơ.

“Giải phóng Cần Thơ, anh em chúng tôi vui mừng không sao ngủ được”
Thiếu tướng Lê Thanh Sơn trong một sự kiện họp mặt cựu chiến binh tại Kiên Giang, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam (30.4.1975-30.4.2024)

Như vậy, tỉnh Cần Thơ - trung tâm đầu não của địch ở đồng bằng sông Cửu Long được giải phóng, đập tan toàn bộ hệ thống ngụy quân, ngụy quyền từ tỉnh đến cơ sở và bọn đầu não chỉ huy Mỹ - Ngụy ở Vùng IV chiến thuật, góp phần giải phóng đồng bằng sông Cửu Long, giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước.

Thiếu tướng Lê Thanh Sơn bùi ngùi chia sẻ: “Cả một ngày chỉ huy đơn vị chiến đấu và chiếm từng mục tiêu, cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi không cảm thấy mệt mỏi mà sức mạnh như được nhân lên gấp bội. Mừng vui không tả xiết, nước mắt ngày thắng lợi cứ chảy ra mỗi khi đồng đội gặp nhau. Một sự kiện lịch sử lớn lao của cả dân tộc, một kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời của những người chiến sĩ cách mạng như tôi. Đêm 30.4.1975, gần như chúng tôi không ngủ, với bao nỗi niềm hạnh phúc, sung sướng dâng trào, nhưng cũng bùi ngùi nhớ thương biết bao đồng chí đã ngã xuống".

Với Thiếu tướng Lê Thanh Sơn, khoảnh khắc lịch sử ngày 30.4.1975 là một ngày lịch sử trọng đại không thể nào quên. Vì thế, hơn ai hết, ông càng quý trọng những ngày tháng hôm nay. Do đó, khi còn làm việc và lúc về hưu, ông luôn gương mẫu giáo dục cấp dưới, người thân hiện tốt trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng Lê Thanh Sơn – nguyên Chỉ Huy trưởng Chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ. Sau khi về hưu năm 2001, Thiếu tướng Sơn vận động các đồng đội cũ thành lập Ban Liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô. Đến ngày 24.6.2002, Ban Liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô chính thức ra mắt và đi vào hoạt động với phương châm: nhắc nhau giữ vững bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân và truyền thống Tiểu đoàn Tây Đô “ra đi là chiến thắng”.

Trong qua trình gặp lại đồng đội, Thiếu tướng Sơn phát hiện nhiều đồng đội Tây Đô khó khăn về nhà ở, Thiếu tướng Sơn họp bàn với anh em trong Ban Liên lạc, vận động xây dựng hơn 1.100 căn nhà cho đồng đội trong Tiểu đoàn Tây Đô, với tổng số tiền đóng góp xây dựng trên 43 tỷ đồng.

Nguyễn Hành
#