Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng

- Thứ Sáu, 26/07/2024, 08:05 - Chia sẻ

Với vai trò là đơn vị chủ công, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo phía Bắc Tổ quốc; Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu", hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trong đó, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được Lữ đoàn 170 thực hiện hiệu quả.

Rõ phương hướng, nhiệm vụ

Theo Đại tá Lê Tiến Hậu, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 170, đặc thù của nội dung pháp luật là "khô" và "khó", nếu không có sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thì khó có thể đem lại hiệu quả, thậm chí dễ dẫn tới việc tổ chức hình thức, qua loa, chiếu lệ.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân tìm hiểu pháp luật qua sách báo tại thư viên đơn vị. Ảnh: Lữ đoàn 170
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân tìm hiểu pháp luật qua sách báo tại thư viên đơn vị. Ảnh: Lữ đoàn 170

Chính vì vậy, nhận thức đúng vai trò của công tác PBGDPL, bám sát đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị; Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ mặt công tác quan trọng này. Trong đó, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, hình thức, thời gian, đối tượng tuyên truyền, bảo đảm sát thực tiễn; gắn kết chặt chẽ các nội dung của công tác PBGDPL với công tác giáo dục chính trị.

Đặc biệt, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Lữ đoàn thường xuyên bổ sung kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên; duy trì nghiêm chế độ thông qua giáo án bài giảng, bảo đảm từng nội dung tuyên truyền có chất lượng tốt, sát đối tượng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Mặt khác, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm chặt chẽ ở các cấp; qua đó, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả; xác định phương hướng, biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Để nội dung pháp luật thấm sâu vào nhận thức và mọi hoạt động của bộ đội, Lữ đoàn đã phát huy tốt vai trò của các tổ chức, lực lượng, nhất là vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó phải kể đến các diễn đàn thanh niên; tọa đàm sĩ quan trẻ; những hoạt động khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị và ngăn sách pháp luật ở các tàu, trạm, đại đội; thường xuyên bổ sung sách, báo pháp luật, những tài liệu, văn bản pháp luật mới; luân chuyển sách giữa các đơn vị để phục vụ cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu.

Trong thực hiện "Ngày Pháp luật", cùng với việc tổ chức đầy đủ những nội dung, hình thức theo quy định; Lữ đoàn đã chú trọng hoạt động sân khấu hóa, đề cập tới những vấn đề "nóng", có nguy cơ cao tác động tới bộ đội; như Tọa đàm "Hiểm họa ma túy và trách nhiệm của quân nhân" hay Hội thi "Tuổi trẻ với pháp luật và kỷ luật quân đội"... Tại đây, các cán bộ, chiến sĩ đã trao đổi, thảo luận, bày tỏ quan điểm, thái độ và rút ra bài học từ câu chuyện, tình huống pháp luật để liên hệ, vận dụng vào thực tế; giúp nâng cao nhận thức về tác hại, hiểm họa ma túy và các tệ nạn xã hội. 

Bằng nhiều giải pháp phù hợp, sáng tạo và hiệu quả; chất lượng tuyên truyền, PBGDPL và tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật của Lữ đoàn đã có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật thông thường dưới 0,2%, không có vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng... 

Sát đối tượng và đặc điểm đơn vị

Đại tá Lê Tiến Hậu cho biết, biểu hiện sinh động trong thực hiện công tác PBGDPL kết hợp với công tác dân vận của Lữ đoàn đó là hướng đến nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn. Đây là sự cụ thể hóa Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027" (Để án 1371). 

Do các lực lượng hoạt động độc lập, phân tán, dài ngày trên biển, trình độ nhận thức của bộ đội không đồng đều nên Lữ đoàn đã chủ động, linh hoạt đổi mới nội dung cho sát với từng đối tượng và đặc điểm, tình hình nhiệm vụ của từng đơn vị với nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Theo đó, Lữ đoàn đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển, các lực lượng chức năng trên biển (Biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát biển) tổ chức tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam cho ngư dân với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Biển Việt Nam và các quy định trong quản lý, khai thác thủy sản; tình hình an ninh chính trị trên các vùng biển, đảo; bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay...

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân, các chủ tàu cá về những nội dung cơ bản của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; nhất là Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về "Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định" (IUU); tích cực chủ động thực hiện tốt chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển", "Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân".

Đại tá Lê Tiến Hậu nhấn mạnh, việc kịp thời cung cấp, định hướng thông tin diễn biến trên biển, làm rõ những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong giải quyết các vấn đề trên biển hiện nay đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy tình yêu biển, đảo cho Nhân dân; tăng cường quan hệ gắn bó máu thịt quân dân, làm cho hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân" ngày càng tỏa sáng.

Thanh Điểu
#