Đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số

Còn nhiều lỗ hổng cần được lấp đầy

- Thứ Ba, 17/10/2023, 08:38 - Chia sẻ

Không ít chuyên gia cho rằng, để thoát nghèo bền vững thì kỹ năng nghề là yếu tố vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một thực tế là công tác đào tạo nghề cho thanh niên vùng dân tộc thiểu số còn chậm đổi mới, chưa đồng bộ, tổ chức thực thi chưa hiệu quả và vẫn chưa có chính sách đặc thù cho nhóm đối tượng này.

Đào tạo nghề chưa thể tạo cú hích

Về Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hệ thống cơ chế, chính sách về giảm nghèo đã được ban hành đồng bộ, toàn diện. Các chính sách giảm nghèo thường xuyên đã góp phần hỗ trợ cho người nghèo tiếp cận hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; các chính sách tín dụng xã hội đã hỗ trợ người dân vay vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tạo sinh kế; nguồn lực xã hội hóa góp phần hỗ trợ người dân giải quyết một số nhu cầu cấp thiết như nhà ở, sinh kế, cải thiện đời sống.

Chính sách đào tạo nghề cần gắn với lợi thế của địa phương và nhu cầu của lao động (nguồn ITN)
Chính sách đào tạo nghề cần gắn với lợi thế của địa phương và nhu cầu của lao động. Nguồn: ITN

Tuy nhiên, cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ở Việt Nam, người dân dễ rơi vào tình trạng tái nghèo, nhất là ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tình trạng thoát nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu bền vững; có tới 20% số hộ thuộc nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo giai đoạn năm 2016 đã tái nghèo vào năm 2018, trong khi, tỷ lệ này ở nhóm người Kinh - Hoa chỉ là 7,6%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng thoát nghèo thiếu bền vững do nhiều nguyên nhân, trong đó, có việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, hoạt động về giáo dục nghề nghiệp còn chậm so với yêu cầu tiến độ quy định tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ. Một số văn bản hướng dẫn sau khi ban hành còn vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình tại địa phương như dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Điều đáng lưu ý là một số người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đánh giá chính sách về giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số, TS. Phan Chính Thức, chuyên gia đào tạo nghề, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, số liệu báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, đến năm 2021, cả nước mới có 14% lao động dân tộc thiểu số được đào tạo nghề. Quá trình thực hiện chính sách đối với giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số trong thực tế còn nhiều hạn chế; cụ thể như vai trò, vị trí của nguồn nhân lực thanh niên dân tộc thiểu số chưa được nhận thức đúng mức; chính sách đào tạo cho thanh niên dân tộc thiểu số chậm đổi mới, chưa đồng bộ, tổ chức thực thi chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, thông tin về thị trường lao động còn chậm và thiếu độ tin cậy; các nguồn lực chưa được huy động tối đa trong việc tham gia vào đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số…

Để thanh niên dân tộc thiểu số nắm vững kỹ năng nghề

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng số vốn sự nghiệp dành cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo là 28.000 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, tuy nhiên không dễ để "hấp thụ" hiệu quả khoản chi.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu rõ, để giảm nghèo bền vững thì chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không", phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Đồng thời, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo.

Tham mưu cho ngành lao động, TS. Nguyễn Thị Thu Dung, đại biểu Quốc hội, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình cho rằng, các chính sách giảm nghèo cần được thiết kế lại theo hướng đầu tư cho con người, trong đó chú trọng đến đào tạo nghề - với tư cách là "chiếc cần câu" thiết yếu. Theo TS. Nguyễn Thị Thu Dung, hiện tại, chương trình hỗ trợ đào tạo cho người nghèo đa số là các khóa đào tạo ngắn hạn, truyền nghề, cầm tay chỉ việc ở một số ngành, nghề đơn giản… Tuy nhiên, cách tiếp cận này chưa thực sự hiệu quả, bền vững do những thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất cũng như những biến động của thế giới hiện tại mà đối tượng ảnh hưởng đầu tiên là những người nghèo, không có tài sản tích lũy cũng như kỹ năng để thích nghi với những biến động này.

Nhiều nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo cho rằng, tăng năng lực sản xuất cho người nghèo là cái gốc để bảo đảm giảm nghèo bền vững. Muốn vậy, cần quán triệt tinh thần coi trọng "cho cần câu hơn cho con cá"; bên cạnh việc đầu tư hạ tầng, kết nối với các vùng phát triển, hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thì cần quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề cho người nghèo, để họ có cơ hội tìm việc làm, tham gia quá trình tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi trực tiếp từ quá trình này.

Còn theo TS. Phan Chính Thức, đào tạo nghề cho thanh niên và lao động miền núi cần nâng cao chất lượng (kỹ năng nghề thành thạo), mở rộng quy mô (từng bước phổ cập nghề). Trong đó, cần rà soát, bổ sung chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là chính sách đặc thù cho thanh niên dân tộc thiểu số. Mặt khác, cần tăng nguồn từ ngân sách nhà nước, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đặc biệt, chính sách đào tạo phải gắn với việc làm tại chỗ, với khởi nghiệp, tạo sinh kế và xóa đói giảm nghèo.

"Sắp tới cần đặc biệt quan tâm đến đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho thanh niên dân tộc thiểu số theo hướng ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao để làm đầu mối dẫn dắt đồng bào dân tộc thiểu số… trong phát triển kinh tế", TS. Phan Chính Thức chia sẻ .

Dương Lê
#