Chiều 10.5, sẽ diễn ra tọa đàm “Quy định mới về nhà ở xã hội: từ chính sách đến thực thi”

- Thứ Năm, 09/05/2024, 17:45 - Chia sẻ

Chiều 10.5, tại Trụ sở 35 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tổ chức tọa đàm “Quy định mới về nhà ở xã hội: từ chính sách đến thực thi”.

Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua ngày 27.11.2023. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia, Luật Nhà ở năm 2023 có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua, kể từ Pháp lệnh Nhà ở 1991. Những quy định phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật của luật sẽ thúc đẩy quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho người dân.

Chiều 10.5 diễn ra Tọa đàm “Quy định mới về nhà ở xã hội: từ chính sách đến thực thi”	 -0
Thảo luận, nhận diện và đánh giá tác động của những quy định mới về nhà ở xã hội. Ảnh: ITN

Trong đó, Chương VI của Luật Nhà ở năm 2023 đã quy định đồng bộ các cơ chế để phát triển nhà ở xã hội, trước hết là nhằm thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030 với nhiều chính sách nổi bật.

Theo quyết định của Quốc hội, Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025, đồng thời với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Tuy nhiên, nhằm sớm đưa những chính sách tốt đẹp về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng đi vào cuộc sống, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn bảo đảm tiến độ và chất lượng. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi) sớm hơn, có thể là từ tháng 7.2024, cùng với Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh nhà ở (sửa đổi).

Hiện, Bộ Xây dựng đã tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có dự thảo Nghị định quy đinh chi tiết một số điều về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Mục đích, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển và quản lý nhà ở xã hội; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tọa đàm sẽ có sự tham gia của các đại biểu là đại diện cơ quan của Quốc hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp. Các đại biểu sẽ cùng tập trung thảo luận, nhận diện rõ các quy định mới về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) và đánh giá các tác động của những quy định mới này đến chủ trương phát triển nhà ở cho người dân của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp và người nghèo; những yêu cầu, đòi hỏi tiếp tục cụ thể hóa trong việc soạn thảo, ban hành quy định hướng dẫn các quy định mới về nhà ở xã hội nhằm bảo đảm tính khả thi và nhanh chóng đi vào cuộc sống; đề xuất các giải pháp giúp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các chủ thể liên quan đến phát triển nhà ở xã hội hiện nay trên nền tảng là các quy định mới trong Luật Nhà ở (sửa đổi).

Những ý kiến trao đổi tại tọa đàm sẽ đóng góp hữu ích vào tiến trình thực hiện chính sách nhà ở xã hội cũng như quá trình xây dựng dự thảo Nghị định phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Hoàng Yến
#