Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào Dân tộc thiểu số

Bài cuối: Cần mở rộng đối tượng

- Thứ Tư, 24/04/2024, 08:38 - Chia sẻ

Trong những năm qua, vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt. Các chính sách đầu tư cho vùng được đánh giá là bao trùm và sát thực tế. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai vẫn còn một số bất cập, cần sớm được điều chỉnh để khu vực vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển nhanh, bền vững…

Còn bất cập

Mặc dù đã giải quyết căn bản sự chồng chéo, lãng phí… trong việc xây dựng ban hành các chính sách cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; song, đâu đó vẫn còn những bất cập.

Theo ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu), dân tộc La Hủ là dân tộc đặc biệt khó khăn, dân số trên 10.000 người, sống tập trung ở các xã biên giới; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều lên tới 81%; các điều kiện về dân trí, về sức khỏe dân số còn rất hạn chế. Giai đoạn 2016 - 2020, người La Hủ đã được thụ hưởng chính sách theo Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao. 

Ảnh: Người dân vùng khó khăn luôn cần sự hỗ trợ của tín dụng chính sách. Ảnh: Trần Việt
Người dân vùng khó khăn luôn cần sự hỗ trợ của tín dụng chính sách. Ảnh: Trần Việt

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1227 phê duyệt danh sách dân tộc còn gặp khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025; dân tộc La Hủ không được hưởng chính sách trên do vướng về tiêu chí dân số trên 10.000 người, điều kiện là chỉ áp dụng đối với dân tộc dưới 10.000 người. "Cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân còn trăn trở với quy định trên…", đại biểu Hoàng Quốc Khánh nói.

Phó Ban Tín dụng người nghèo (NHCSXH) Nguyễn Mạnh Thiện cũng chia sẻ, qua triển khai chính sách tín dụng tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, có rất nhiều hộ DTTS không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia vào các dự án phát triển sản xuất kinh doanh của địa phương, cần có sự khuyến khích, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước. Hoặc, hộ người Kinh nghèo không thuộc xã đặc biệt khó khăn nhưng sinh sống tại các xã khu vực II, I theo Quyết định 861/QĐ-TTg về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 chưa được thụ hưởng chính sách về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề… 

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới đã chuyển từ xã vùng khu vực II, khu vực III thành xã khu vực I và không còn thuộc danh mục xã vùng khó khăn theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10.8.2018 về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn, dẫn đến không được thụ hưởng các chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

"Việc chỉ giới hạn đối tượng thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP là hộ nghèo, hộ cận nghèo, dẫn đến một bộ phận người dân sinh sống ở khu vực này không được hỗ trợ vốn tín dụng chính sách để tham gia các dự án phát triển của vùng miền" - ông Nguyễn Mạnh Thiện nói.

Điều chỉnh để bảo đảm công bằng

Thực tế, cùng sinh sống, lao động sản xuất trong điều kiện bất lợi, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thường xuyên chịu rủi ro bởi biến đổi khí hậu, thiên tai và thiếu đất sản xuất nhưng nhiều hộ người Kinh nghèo chưa được thụ hưởng đầy đủ các chính sách. 

Phó Ban Tín dụng người nghèo Nguyễn Mạnh Thiện cho rằng, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành chủ quản chương trình tín dụng chính sách cần tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14.10.2021 phù hợp với thực tiễn nhằm thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Cụ thể, bổ sung đối tượng cho vay là hộ gia đình DTTS cư trú hợp pháp tại vùng đồng bào DTTS và miền núi được thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; hộ cận nghèo DTTS cư trú hợp pháp tại vùng đồng bào DTTS và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp tại vùng đồng bào DTTS và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp tại các xã khu vực I, II được thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề.

Cùng với đó, bổ sung chính sách cho vay tại các địa phương thuộc địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi không có điều kiện thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thì các đối tượng tham gia vào các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng được vay vốn tại NHCSXH theo quy định hiện hành. Hộ nghèo DTTS, hộ cận nghèo DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp tại vùng đồng bào DTTS và miền núi thiếu đất sản xuất được vay vốn tại NHCSXH để tạo quỹ đất sản xuất.

Ngoài ra, đã đến lúc cần sửa đổi Quyết định số 861/QĐ-TTg theo hướng đối với các xã khu vực II, khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới thì tiếp tục được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi áp dụng đối với xã khu vực II, khu vực III đến hết giai đoạn 2021 - 2030.

"Có như vậy mới bảo đảm công bằng cho các đối tượng! Có như vậy chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mới thực sự phát huy hết tính nhân văn và mang lại hiệu quả bền vững" - ĐBQH Hoàng Quốc Khánh khẳng định. 

Bình Nhi
#