Ứng phó với đại dịch Covid -19:

Việt Nam nỗ lực bảo đảm quyền lợi người lao động

- Thứ Năm, 14/05/2020, 20:56 - Chia sẻ
Chia sẻ tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALMM) đặc biệt về ứng phó tác động của dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ người lao động trước đại dịch. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài.

Bảo vệ tối đa quyền lợi người lao động

Chia sẻ với quốc tế về công tác tổ chức lao động, ứng phó với tác động của dịch bệnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, đại dịch Covid-19 giống như một thảm họa với thế giới, nó đã đặt ra những khó khăn và thách thức chưa từng có với các quốc gia và trong đó có các nước ASEAN. Có thể nói, ngành lao động việc làm là ngành chịu nhiều tác động nhất từ đại dịch này. Tại Việt Nam, với hơn 55 triệu lao động có việc làm nhưng do ảnh hưởng của Covid-19 nhiều doanh nghiệp tư nhân rơi vào tình trạng đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô, số người mất việc lên tới 670 ngàn, 67% doanh nghiệp phải cho nhân viên tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc bố trí làm việc luân phiên. Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất có thể kể đến như: công nghiệp, chế tạo, chế biến, buôn bán, dịch vụ lưu trú, vận tải, ăn uống … Có 80% lao động trong khối phi chính thức như: bán hàng rong, ăn uống, xây dựng… phải dừng hoạt động trong một tháng để thực hiện giãn cách xã hội.


Ảnh minh họa

Trước những khó khăn đó, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho hơn 20 triệu người thuộc bảy nhóm đối tượng và những doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch, giúp doanh nghiệp thời gian đầu trở lại sau giãn cách. Đặc biệt, gói hỗ trợ này sẽ hướng tới những người phải tạm dừng công việc, hoãn hợp đồng lao động, không nghỉ hưởng lương, không đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lao động và người lao động được tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hưu trí, tử tuất trong vòng 12 tháng. Đồng thời, chính phủ cũng hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể với thu nhập dưới 100 triệu/năm bị dừng từ 1.4 – 30.7.2020.

Đây là gói hỗ trợ chưa hề có tiền lệ, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc chung tay với doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người lao động. Chính phủ cũng sẽ để ra 3.000-5.000 tỷ để giúp các doanh nghiệp đào tạo nâng cao tay nghề ứng phó với dịch Covid-19 và những thay đổi của thị trường trong tình hình mới.

Nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động trong khu vực

Chia sẻ với bạn bè quốc tế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam đã nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ người lao động trước đại dịch. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài như tăng cường thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch Covid 19 đối với người lao động để họ chủ động phòng, chống dịch; phối hợp chặt chẽ với nước sở tại và chủ sử dụng lao động để hỗ trợ y tế trong trường hợp bị nghi nhiễm, nhiễm bệnh, hỗ trợ kinh tế, việc làm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp theo hợp đồng của người lao động.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã cùng các Bộ trưởng thống nhất và thông qua  “Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về ứng phó với các tác động của dịch Covid-19 đối với lao động và việc làm". Theo đó, các Bộ trưởng Lao động ASEAN sẽ hợp tác trong các công việc như: cung cấp hỗ trợ kịp thời về sinh kế và sức khỏe cho tất cả người lao động, đặc biệt với những người thu nhập thấp và lao động việc làm trong nền kinh tế phi chính thức, các ngành có rủi ro cao; đảm bảo những người lao động bị sa thải hoặc bị thôi việc đều được bồi thường bởi người sử dụng lao động, hoặc được nhận trợ cấp xã hội; cung cấp hỗ trợ phù hợp cho người lao động di cư trong khu vực ASEAN; chia sẻ các thực tiễn và bài học tốt nhất giữa các quốc gia thành viên về các biện pháp giúp đỡ người lao động, người sử dụng lao động có nguy cơ, nâng cao khả năng phục hồi của họ.

Trước đó, Việt Nam cũng là quốc gia đưa ra sáng kiến về việc  xây dựng Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay. Sáng kiến này đã được tất cả các nước ASEAN tán thành và thông qua. Dự kiến, sẽ trình Cấp cao ASEAN lần thứ 36 thông qua vào tháng 6.2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hy vọng, Tuyên bố sẽ là nền tảng hợp tác quan trọng của ASEAN trong nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động trong khu vực.

Tùng Dương