Giao thông đường thủy nội địa

Thiếu cơ sở dữ liệu, khó bảo đảm an toàn

- Thứ Hai, 08/03/2021, 07:03 - Chia sẻ
Để các chính sách bảo đảm an toàn giao thông đường thủy theo kịp sự phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải kịp thời cập nhật đầy đủ những dữ liệu về hiện trạng của phương tiện thủy nội địa, số lượng thuyền viên và người lái, điều kiện hạ tầng, luồng lạch. Bởi, chỉ khi có những cơ sở dữ liệu chính xác, việc đề ra các chính sách phát triển vận tải thủy nội địa, bảo đảm an toàn đường thủy mới sát với thực tế và trúng đích.

Áp lực cho hệ thống hạ tầng

Theo Quyết định số 4291 /QĐ-BGTVT "Phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải sông pha biển đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030", khối lượng vận chuyển hàng hóa đến năm 2030 là 30 triệu tấn. Tuy nhiên, năm 2020, khối lượng hàng hóa qua các cảng đường thủy nội địa đã đạt 50 triệu tấn, vượt 295% công suất theo quy hoạch. Theo Phó Trưởng phòng Vận tải - An toàn giao thông, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Đỗ Minh Tiến, ngoài số lượng phương tiện sông pha biển, các loại phương tiện đường thủy khác cũng tăng từ 7 - 8%, tính đến hết năm 2020 tổng trọng tải khoảng xấp xỉ 20 triệu tấn. Trong khi Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đường thủy nội địa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là 13 triệu tấn.

	Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ nội địa Nguồn: ITN
Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ nội địa
Nguồn: ITN

Việc phát triển quá nhanh về tổng tải trọng phương tiện đường thủy cũng tạo áp lực lên hệ thống kết cấu hạ tầng, luồng đường thủy cũng như bộ phận thuyền viên, người lái phương tiện. Song, lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay ngành đường thủy thực hiện cuộc tổng điều tra toàn quốc về phương tiện và thuyền viên, người lái thủy là vào năm 2007, với hơn 806.000 tàu, thuyền các loại. Điều đáng nói, số liệu mà các cơ quan quản lý nắm được lại rất khác nhau. Cụ thể, số phương tiện đã được cấp đăng ký mới đạt hơn 53% con số trên, ngay cả số phương tiện thủy có trong dữ liệu đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam luôn cao hơn so với số liệu đã đăng ký.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 75/2014/TT-BGTVT quy định về đăng ký phương tiện thuỷ nội địa. Theo đó, thông tư quy định về việc định kỳ ngày 25 hằng tháng, các Sở Giao thông Vận tải địa phương phải báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kết quả đăng ký phương tiện thủy. Nhưng trên thực tế, việc thực hiện hầu như không đầy đủ, dẫn đến số lượng phương tiện thực hiện đăng kiểm lần đầu chỉ đạt khoảng 60%; tỷ lệ quay lại đăng kiểm định kỳ theo quy định của luật chỉ đạt khoảng 30%. Thậm chí, hầu hết phương tiện thủy gia dụng có tổng tải trọng dưới 1 tấn, sức chở dưới 5 gần như bị buông lỏng.

Ngoài ra, tại Chỉ thị số 23/CT-TTg về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đầu tháng 7.2016, đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng điều tra phương tiện thủy nội địa và thuyền viên, người lái phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy… trong năm 2017, nhưng vẫn chưa được thực hiện được vì thiếu kinh phí.

Tổng điều tra hiện trạng

Cuối tháng 9.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 37/CT-TTg về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa. Một trong những biện pháp cấp bách và then chốt được giao cho Bộ Giao thông Vận tải là xây dựng kế hoạch và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận tổng điều tra phương tiện và thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Năm 2020, khi tình hình tai nạn giao thông đường thủy nội địa tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều người mới “tá hỏa” vì những giải pháp, chính sách bảo đảm an toàn giao thông đường thủy dường như chưa trúng đích. Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Trần Đỗ Liêm, có những doanh nghiệp trước đây công suất máy toàn đoàn tàu chỉ đạt 11.000 tấn, nhưng đến nay, dù số lượng tàu tay đổi không nhiều, nhưng công suất máy đã tăng gấp hơn 10 lần. Sự thay đổi về công suất máy nhanh chóng nhưng hệ thống hạ tầng đường thủy không theo kịp khiến việc tiếp cận vào các cảng bến thủy nội địa gặp nhiều khó khăn.

Nhiều năm gắn bó với công việc thuyền trưởng, ông Nguyễn Văn Luận, Công ty xây dựng An Khang (Phú Thọ) chia sẻ, sự phát triển quá nhanh số phương tiện thủy kéo theo việc nhiều tàu không tuyển được người lái có đủ bằng cấp, chứng chỉ phù hợp. Điều này gây nguy hiểm cho cả các phương tiện khác. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cũng cho biết, hiện nay ngành đường thủy chưa có cơ sở dữ liệu về tàu thuyền, chứng chỉ của thuyền viên nên khi cập nhật, kiểm tra tàu vào và rời bến để kết nối với hàng hải và của các cơ quan quản lý nhà nước khác là không thực hiện được, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác quản lý.

Không chỉ số lượng phương tiện đường thủy nội địa đã thay đổi đáng kể, mà số lượng thuyền viên và người lái, điều kiện hạ tầng, thời tiết, luồng lạch cũng có nhiều thay đổi. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm, nhắc đi nhắc lại nhiều lần việc thực hiện tổng điều tra để nắm bắt chính xác hiện trạng hoạt động của phương tiện thủy nội địa và được coi là cơ sở để thực hiện các chính sách bảo đảm an toàn giao thông đường thủy. Bởi, nếu không kịp thời cập nhật đầy đủ những dữ liệu này, các chính sách bảo đảm an toàn giao thông đường thủy khó theo kịp sự phát triển. Nói cách khác, chỉ khi có những cơ sở dữ liệu vững chắc, việc đề ra các chính sách phát triển vận tải thủy nội địa, bảo đảm an toàn đường thủy mới sát với thực tế và trúng đích.

Hiểu Lam